Thủ tướng: Xây dựng cơ chế gỡ 'nút thắt' giao thông miền Tây

Cửu Long

08/05/2021 16:04

Gặp gỡ cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi xây dựng cơ chế, chương trình dự án, tháo gỡ các "nút thắt" để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian nói về mong muốn phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 8/5. Đây là lần đầu ông đến Cần Thơ trong vai trò Thủ tướng, cùng 4 người ứng cử đại biểu quốc hội khoá XV, đơn vị bầu cử số 1, tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều và huyện Phong Điền.

"Tôi rất xúc động khi được ứng cử ở Cần Thơ vì từng có 3 năm công tác tại các tỉnh miền Tây (1987-1990), có nhiều tình cảm với anh em, bà con vùng đất này. Đây vừa là nguyện vọng cá nhân, vừa là sự phân công của tổ chức", Thủ tướng nói.

Trình bày chương trình hành động với cử tri, Thủ tướng cho biết sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chương trình, nghị quyết phát triển Đồng bằng sông Cửu Long bởi đây là vùng đất có tiềm năng lớn, khoảng 20 triệu dân, nhưng hiện phát triển chưa tương xứng. Khi đó, Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, ngày 8/5. Ảnh: Cửu Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, ngày 8/5. Ảnh: Cửu Long.

Để làm được việc này, người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải có tinh thần chủ động, không trông chờ ỷ lại. Trước tiên là phải gỡ "nút thắt" hạ tầng giao thông vì đây là bàn đạp quan trọng để cả vùng phát triển. Lấy Cần Thơ là trung tâm, kết nối với các địa phương trong vùng, liên vùng và nước bạn Campuchia.

"Không thể nói suất đầu tư cao mà chúng ta không làm", Thủ tướng nói và cho biết sẽ tiếp tục quy hoạch phát triển cảng thuỷ nội địa, nghiên cứu cảng biển Trần Đề ở Sóc Trăng để có khả năng đón tàu 100.000 tấn, phát triển giao thông hàng không...

Việc quan trọng thứ hai, theo Thủ tướng, là phát huy nguồn lực thiên nhiên đạt hiệu quả cao nhất. Việc này cần làm song song với kêu gọi đầu tư, hình thành các vùng sản xuất lớn, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ, xây dựng thương hiệu hàng hoá, nông sản.

Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển "hạ tầng mềm" là đào tạo nguồn nhân lực, phát huy trí tuệ con người. Cụ thể là xây dựng hệ sinh thái Đại học Cần Thơ nhiều chiều, phát triển xứng tầm, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cả khu vực miền Tây...

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, người đứng đầu Chính phủ lưu ý nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vào biên giới Tây Nam. Thủ tướng kêu gọi người dân Cần Thơ và miền Tây đồng lòng chung sức cùng cấp uỷ, chính quyền và Chính phủ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống.

"Nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác thì dịch bệnh dễ lan rộng, rất nguy hiểm", ông Phạm Minh Chính nói.

Bốc xếp gạo phục vụ xuất khẩu tại cản Mỹ Thới, trên sông Hậu, tỉnh An Giang. Ảnh: Cửu Long

Bốc xếp gạo phục vụ xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới trên sông Hậu, tỉnh An Giang. Ảnh: Cửu Long.

TP Cần Thơ có 3 đơn vị bầu cử với 13 ứng cử viên để bầu 7 đại biểu Quốc hội khóa XV (10 người do TP Cần Thơ giới thiệu, 3 người do Trung ương đề xuất).

Cùng ứng cử đơn vị số 1 với Thủ tướng có thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận (Giám đốc Công an TP Cần Thơ), ông Đào Chí Nghĩa (Bí thư Thành đoàn Cần Thơ), bà Dư Thị Mỹ Hân (Trưởng Ban tổ chức - kiểm tra Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ) và bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Giám đốc điều hành Công ty cổ phần sản xuất thương mại Abavina, huyện Phong Điền).

Đơn vị bầu cử số 2 gồm quận Bình Thủy, Ô Môn và huyện Thới Lai. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh ứng cử tại đơn vị này.

Đơn vị bầu cử thứ 3 gồm quận Thốt Nốt và hai huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh.

TP Cần Thơ có diện tích tự nhiên hơn 1.400 km 2, hơn 1,2 triệu dân. Giai đoạn 2015-2020, thành phố đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 7,53% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng (tương đương 4.136 USD). Mục tiêu 5 năm tới, Cần Thơ sẽ trở thành đô thị hạt nhân của Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Cửu Long