Năm 2023 được đánh giá là năm nhiều biến động và dễ bị “tổn thương” trước nhiều biến động kinh tế & chính trị: 2 ngân hàng Mỹ ngừng hoạt động do mất thanh khoản, khủng hoảng năng lượng do xung đột tại Ukraine và Trung Đông. Hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đã chịu nhiều tác động tiêu cực. Thị trường chứng khoán (TTCK) cũng đã cho thấy giai đoạn tạo đáy dài hạn.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng và Giám đốc viện đào tạo, nghiên cứu BIDV dự báo, tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ đạt 6 – 6,5% (năm 2023 đạt 5,05%), cao hơn so với thế giới và khu vực Đông Á & Thái Bình Dương nhờ các động lực đến từ công nghiệp & dịch vụ dự báo tăng 10 – 12%; xuất khẩu tăng 5 – 7%, tiêu dùng tăng 8 – 9%, và khu vực bao gồm đầu tư công, tư nhân và FDI cũng diễn biến tích cực.
Ngoài ra, cơ hội còn đến từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược dựa trên các nền tảng vĩ mô ổn định (CPI, tỷ giá, chính sách vẫn còn dư địa…). Chuyên gia cũng lưu ý những rủi ro, thách thức chính của năm 2024 đến từ bên ngoài khi nền kinh tế thế giới dự báo chậm lại và các vấn đề liên quan đến thị trường Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản hay các thể chế mới còn gặp nhiều thách thức, chậm ban hành.
Tuy nhiên, để hỗ trợ cho nền kinh tế, Quốc Hội, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những hành động hỗ trợ nền kinh tế như: Ban hành chính sách tài khóa “mở rộng, trọng tâm”, các chính sách này cơ bản sẽ tiếp tục thực hiện trong 2024 hay các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực như y tế, bất động sản, thị trường vốn, du dịch, đầu tư công…; gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài để lắng nghe, tìm giải pháp tháo gỡ rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy chuyển đổi số; ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính – bất động sản; ban hành Chiến lược đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030,…
Cuối cùng, TS. Cấn Văn Lực đưa ra những giải pháp đối với TTCK Việt Nam bao gồm tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển TTCK về Chiến lược tài chính và phát triển TTCK đến năm 2030; sớm ban hành thể chế (Nghị định 65 sửa đổi; sửa Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2019…) phù hợp với bối cảnh; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng hạng TTCK; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng, thực thi Chiến lược chuyển đổi số ngành chứng khoán đến 2030,…
Dựa trên nền tảng vĩ mô khởi sắc, ông Nguyễn Minh Hoàng – Giám đốc phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) kỳ vọng, TTCK Việt Nam 2024 sẽ ghi nhận những diễn biến tích cực, khi thị trường đã bước vào pha tăng mới bằng việc đưa ra một loạt các thống kê về diễn biến TTCK và biến động của các cổ phiếu và các nhóm ngành trong năm 2023.
Cụ thể, mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng đã có 206 mã cổ phiếu vượt đỉnh so với năm 2022 theo quy mô vốn hóa, VN-Index cũng đã tạo đáy vững chắc vào tháng 11/2022. Từ đó, ông Hoàng cho rằng TTCK sẽ tăng mạnh trong năm 2024 theo đà hồi phục của nền kinh tế với các động lực chính đến từ môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ thẩm thấu và tác động rõ rệt lên nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Giám đốc phân tích VFS đưa ra 2 kịch bản cho thị trường gồm kịch bản trung tính: VN-Index có thể đạt tới vùng 1.317 - 1.366 với điều kiện P/E ở vùng 13,5 – 14 và tăng trưởng EPS đạt 10%; kịch bản tích cực: VN-Index sẽ đạt tới vùng 1.391 – 1.441 với điều kiện P/E ở vùng 14 – 14,5 và tăng trưởng EPS đạt 12%. Trong đó, dựa trên những tiêu chí về tăng trưởng lợi nhuận, định giá hợp lý, mức độ thu hút của dòng tiền và các câu chuyện vĩ mô hỗ trợ, ông Hoàng đánh giá ngành ngân hàng, bất động sản và bán lẻ sẽ là 3 nhóm ngành triển vọng cho năm 2024.
Cùng quan điểm đó, bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng phòng Phân tích dữ liệu Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam chia sẻ riêng đối với triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2024. Bà Vân cho rằng, ngành ngân hàng trong năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề nợ xấu khiến áp lực trích lập lớn, rủi ro từ thị trường TPDN với lượng đáo hạn TPDN trong năm 2024 khoảng 300 nghìn tỷ và thị trường bất động sản cần thời gian để giải quyết các vướng mắc về pháp lý.
Tuy nhiên triển vọng ngành vẫn được kỳ vọng lợi nhuận sau thuế ngành ngân hàng dự báo tăng 12 – 15% so với mức 3,5% trong năm 2023 dựa trên sự hồi phục từ tăng trưởng tín dụng trong môi trường lãi suất thấp, sức khỏe nền kinh tế tăng trưởng cao hơn năm trước cùng với NIM cải thiện. Từ đó, bà Vân cũng đưa ra khuyến nghị nên lựa chọn cổ phiếu ngân hàng dựa trên 2 tiêu chí: “Kỳ vọng lợi nhuận hồi phục và Định giá hấp dẫn” và “Có kế hoạch bán vốn, thuộc top nắm giữ của quỹ ngoại”.