Thanh long là một trong chín loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc bên cạnh vải, nhãn, măng cụt, chuối, xoài, mít, chôm chôm và dưa hấu.
Từ tháng 5.2019, chính sách nhập khẩu trái cây của Trung Quốc bắt đầu được thắt chặt hơn trước. Chính phủ nước này yêu cầu tất cả các loại trái cây được nhập khẩu chính ngạch đều phải được truy xuất nguồn gốc, vùng trồng. Trái cây cũng hầu như không còn cơ hội xuất khẩu tiểu ngạch như trước do chính sách biên giới thắt chặt.
Đây là lần thứ hai tính từ tháng Năm, thanh long Việt Nam bị ùn ứ tại cửa khẩu khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Lần đầu vào giữa tháng 8.2019, được giải quyết trong vòng 3 - 4 ngày.
Thực tế khi chưa siết chặt việc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam, hàng năm tình trạng ùn ứ hàng trăm container các loại trái cây tại biên giới vẫn thường xuyên xảy ra.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của trái cây và rau củ Việt Nam, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này, theo Tổng cục Hải quan.
Từ khi bắt đầu công bố chính sách nhập khẩu mới, các thương lái Trung Quốc, những người vẫn gom trái cây từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã chủ động làm việc với các nhà vườn tại Việt Nam, đặc biệt với các sản phẩm đặc sản như vải, nhãn để làm các thủ tục truy xuất nguồn gốc.
Mùa vải 2019, những thương lái Trung Quốc gắn bó với vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) cả gần hai thập kỷ đã đến xem vải tại vườn và dán tem bảo hộ, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo xuất khẩu thông suốt. 2019 được đánh giá là một trong những mùa vải thành công nhất của người dân Lục Ngạn khi giá cao hơn hẳn so với những năm trước.
Tuy nhiên, không phải tất cả vùng trồng cho chín loại trái cây nói trên đều được đăng ký truy xuất nguồn gốc.
Thắt chặt chính sách nhập khẩu như Trung Quốc đang làm, trước mắt sẽ khiến các doanh nghiệp, hộ nông dân lúng túng. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam tiến tới sản xuất chuẩn hoá theo các tiêu chuẩn quốc tế, vươn ra khỏi thị trường gần 100 triệu dân.