Trong bối cảnh hàng chục công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý 2 thua lỗ và chỉ có chưa đầy 10 công ty tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm thì một công ty chứng khoán “vô danh” bỗng trở thành ngôi sao với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 3.733%, ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 257 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.
Đó là CTCK SmartInvest, mã chứng khoán AAS.
Theo thuyết minh, các nguồn lợi nhuận của AAS chủ yếu đến từ hoạt động sôi nổi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tuy không thuyết minh cụ thể các hợp đồng trái phiếu mà AAS tham gia. Tuy nhiên, trong năm 2022, HĐQT AAS đã ra nghị quyết thông qua việc mua trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu tổng hợp Đức Mai, CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No va
Thực ra SmartInvest chỉ là tên gọi mới của pháp nhân cũ. Tiền thân của công ty này là CTCP Chứng khoán Gia Anh thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu 22 tỷ đồng. Đến năm 2011, công ty chứng khoán Gia Anh đổi tên thành công ty chứng khoán Hamico. Đến năm 2015, Hamico được đổi tên thành SmartInvest. Năm 2021, công ty này nâng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng. Mỗi lần đổi tên đều đánh dấu sự thay đổi nhóm cổ đông lớn của công ty.
Theo báo cáo thường niên 2021, SmartInvest được sở hữu chủ yếu bởi cổ đông cá nhân. Cụ thể, 5.430 cổ đông cá nhân nắm 99,72% cổ phần của CTCK này.
Ông Trần Minh Tuấn (sinh năm 1982) - tiến sĩ kinh tế chuyên ngành Tài chính- Ngân hàng, cổ đông sáng lập SmartInvest đang là Phó Chủ tịch và vợ ông - bà Ngô Thị Thùy Linh (sinh năm 1982) – đang là Chủ tịch HĐQT sau một thời gian giữ chức Tổng giám đốc.
Theo công bố, bà Linh đang nắm 2,076% cổ phần của chứng khoán SmartInvest còn ông Tuấn không sở hữu cổ phần nào. Ông Tuấn – bà Linh có 5 người con đều còn nhỏ, không sở hữu cổ phần nào của AAS, tương tự như những thành viên khác trong gia đình.
Hiện tại ông Trần Minh Tuấn đang là thành viên HĐQT của một số công ty đã niêm yết trên sàn như CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (mã: DAH), CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (mã: DST), CTCP Xăng dầu dầu khí Thái Bình (mã: POB). Đây là các doanh nghiệp có tình hình kinh doanh kém khả quan trong thời gian trước và trong 2 năm trở lại đây đang chứng kiến cuộc “thay máu” cổ đông, bơm vốn và tái cơ cấu. Gắn liền với câu chuyện đó luôn là quá trình tăng sốc giảm nhanh của các cổ phiếu doanh nghiệp.
Tại CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á, bà Trần Nữ Ngọc Anh – chị gái ông Trần Minh Tuấn – đang giữ chức Chủ tịch HĐQT. Vào năm 2021, công ty này đã thông qua kế hoạch vay tiền của 2 thành viên HĐQT để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. doanh nghiệp thông qua việc công ty vay tiền của ông Trần Minh Tuấn, Thành viên HĐQT với số tiền là 39 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm với lãi suất 0%. Trước đó, trong tháng 5/2021, DAH cũng có quyết định vay tiền của ông Tuấn với lãi suất 0% để trả nợ cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - chi nhánh Đông Đô với số tiền gần 1,57 tỷ đồng.
Trong quý 1.2022, doanh thu tài chính hơn 33 tỷ đồng là nguồn giúp DAH thoát lỗ. Đây là khoản thu lãi từ trái phiếu. Số trái phiếu này có giá gốc đầu tư 144 tỷ đồng – là trái phiếu của CTCP Đầu tư công nghệ Smarttech phát hành, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào 29/3/2024 – trái phiếu có lãi suất 9%/năm. Từ năm trước, công ty này cũng đang cho thấy những động thái mới trong đầu tư và kinh doanh với nhiều dự án mới.
CTCP Đầu tư Sao Thăng Long, tiền thân là Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định
Trong tháng 5/2022, công ty này ra nghị quyết thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 323 tỷ lên 1.473 tỷ đồng. Số tiền huy động được dùng để mua lại cổ phần của các cổ đông tại CTCP Du lịch sinh thái Kim Lan, cụ thể là ông Nguyễn Quốc Đạt (600 tỷ) và Phạm Phan Anh (550 tỷ).
CTCP Xăng dầu dầu khí Thái Bình vốn là công ty con của Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP. Vào năm 2021, CTCP Đầu tư Sao Thăng Long đã mua gần 17% cổ phần của Xăng dầu dầu khí Thái Bình và trở thành cổ đông lớn.
Vợ chồng ông Tuấn – bà Linh cũng từng là cổ đông lớn của CTCP Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB). Vào năm 2016, Ông Trần Minh Tuấn – khi đó là Ủy viên HĐQT của HKB đã bán toàn bộ hơn 6,8 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 13,25% vốn. Bà Ngô Thị Thùy Linh cũng bán toàn bộ 2,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,16%.
Nhưng vợ chồng ông Tuấn bà Linh chưa hết mối quan hệ với HKB khi mà tính đến cuối quý 2/2022, SmartInvest đang có khoản nợ phải thu khó đòi trị giá 185 tỷ từ HKB cùng 37 tỷ từ CTCP Nông nghiệp Xanh Hưng Việt và không trích lập dự phòng.