Tác động kinh tế từ virus Corona là do yếu tố tâm lý

caodung

Trong thời kỳ dịch bệnh, sự thực là gì không quan trọng bằng việc người dân cảm thấy thế nào.

Nhìn lại quá khứ có thể là việc cần làm trong thời kỳ dịch bệnh: Ôn lại bài học cũ giúp định hướng quá trình ra quyết định và tránh lặp lại sai lầm. Thật không may, có vẻ như không có đủ “gương chiếu hậu” trong những ngày này.

Bao nhiêu biện pháp kích cầu mà các chính phủ đang triển khai nhằm hạn chế tác động kinh tế của dịch virus Corona, từ giảm lãi suất đến bơm tiền vào thị trường, cũng không đủ khiến người dân cảm thấy an toàn. Và hành vi tiêu dùng của người dân sẽ phóng đại mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh. Khoảng cách giữa cảm nhận nguy cơ nhiễm bệnh của người dân và khả năng họ thực sự nhiễm virus có thể rất lớn, lại càng được đẩy xa thêm do cảm giác từ những trải nghiệm trong quá khứ - những hình ảnh vô cùng sống động trong tâm trí họ, hoặc đơn giản là sợ hãi.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á, được công bố vào tháng Mười 2019, cho thấy có nhiều thiệt hại kinh tế do dịch SARS tác động lên tâm lý con người. Ở đỉnh điểm của đợt bùng phát năm 2003, 23% số người được hỏi trong một thăm dò dư luận ở Hồng Kông nghĩ rằng họ có khả năng bị nhiễm bệnh. Số người nhiễm bệnh lên tới 1.755, theo Tổ chức Y tế Thế giới, nhưng con số này chỉ chiếm khoảng 0,026% dân số. Tại Đài Bắc, 74% số người được hỏi đánh giá khả năng tử vong sau khi nhiễm SARS ở mức 4 hoặc 5 trên thang điểm 5 so với tỷ lệ tử vong thực tế chỉ 11%.

Ilan Noy và Sharlan Shields của Đại học Wellington Victoria, New Zealand viết trong nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết: “Các cá nhân, trong hoàn cảnh thúc ép của việc thiếu thông tin và tâm lý căng thẳng, có thể đưa ra những đánh giá chủ quan, thiên vị liên quan đến nguy cơ nhiễm bệnh”. Hai tác giả cho biết thêm: “Điều này có thể dẫn đến những quyết định hoảng loạn và không tối ưu, kết quả là trả giá quá cao”.

Họ có thể cân nhắc rủi ro khi đi du lịch nước ngoài, và tặc lưỡi ở nhà cho lành, chẳng hạn vậy. Tốt hơn đừng ra ngoài ăn tối hay đi ăn phim, thậm chí cả khi họ biết khả năng nhiễm bệnh cũng nhỏ. Chỉ cần hỏi hãng hàng không Cathay Pacific là biết, thứ Hai vừa rồi họ đã đưa ra cảnh báo rằng, nửa đầu năm nay sẽ “cực kỳ khó khăn về tài chính”. Hãng Singapore Airlines cũng nói rằng họ đang phải đối mặt với “thử thách rất lớn”.

Sự suy giảm kinh tế do dịch SARS rất rõ rệt: tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm còn 9,1% từ 11,1% trong quý hai năm 2003. Hồng Kông, Đài Loan và Singapore đều bị ảnh hưởng kinh tế. Tác động của bệnh dịch còn vượt xa các chỉ số như thời gian làm việc giảm, tỷ lệ tử vong, chi phí điều trị, giảm doanh thu tiêu dùng và du lịch; ảnh hưởng của tâm lý tránh tiếp xúc xã hội là không thể đo lường.

Tâm lý cá nhân cũng từ từ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Các quyết định đầu tư và chuỗi cung ứng được điều chỉnh dựa trên dự báo về nhu cầu trong thời kỳ dịch bệnh và khi nào thị trường phục hồi trở lại. Thứ ba vừa rồi, Apple đã thông báo doanh thu dự kiến sẽ gây thất vọng vì các nhà sản xuất linh kiện còn đang chật vật ngăn chặn virus, cộng thêm ảnh hưởng doanh số do cửa hàng đóng cửa và người dân cũng ít mua sắm hơn. Một ngày trước đó, Công ty Nitendo cho biết họ đang cố gắng để đưa đủ máy chơi game Switch sang thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu vì nguồn cung bị nghẽn lại do dịch virus.

So với năm 2003, hiện nay nền kinh tế của Trung Quốc có ảnh hưởng đến thế giới nhiều hơn. Người dân đi du lịch nước ngoài nhiều hơn và các công ty Trung Quốc ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Người dân Hồng Kông không còn đến nhà hàng cũng sẽ khiến nhiều người ở Hamburg mất việc. Để hạn chế tác động lên tăng trưởng kinh tế, các nhà lãnh đạo cần cân nhắc cẩn thận làm thế nào trấn an nỗi lo của người dân.

Tại Singapore, chính phủ đang kêu gọi công dân tiếp tục cuộc sống như bình thường, bổ sung thêm các biện pháp phòng ngừa để giữ gìn sức khỏe và tránh tâm lý tranh giành mua hàng tích trữ. Các quan chức đã yêu cầu công chúng tin tưởng chính phủ và đổi lại, cam kết sẽ thông tin đầy đủ đến người dân. Điều này khác hẳn với Hồng Kông, nơi các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, các trường học đóng cửa, vật dụng thiết yếu bị gom sạch khỏi quầy kệ và giao thông công cộng vắng hoe. Chúng ta phải đợi lâu nữa mới biết được cái giá mà kinh tế và tâm lý phải trả cho dịch bệnh hiện tại, chưa kể đến số người thiệt mạng. Nhưng nếu chính phủ Singapore trấn tĩnh được người dân, quốc gia này có thể trở thành mô hình cho quản trị khủng hoảng.

Theo Daniel Moss, phụ trách mảng kinh tế châu Á, chuyên mục Góc nhìn của Bloomberg

caodung