Tác động của Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tới ngành đồ uống

Mai Phương

08/08/2024 13:09

Nhằm ghi nhận và phản ánh ý kiến từ góc độ của ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) đối với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 8/8 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”. 

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và đang được lấy ý kiến rộng rãi. Đối với ngành đồ uống, Dự án này có tác động rất lớn, với việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế, mặt hàng rượu và bia được điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm tới năm 2030. Những sửa đổi này cũng sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và tác động cả đến người tiêu dùng.

luat-thue-tieu-thu-dac-biet-pld-1723097261.JPG
Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy, bức tranh kinh tế toàn cầu suy giảm, phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19, môi trường kinh doanh quốc tế có nhiều rủi ro, bất định và đều tác động khá mạnh đối với nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng. 

Tình hình kinh tế, kinh doanh tại Việt Nam 2020 - 2024, ghi nhận phục hồi không đồng đều, hành vi tiêu dùng, lối sống thay đổi, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, ngành đồ uống lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10 - 12% so với năm trước).  Với tác động của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp…  Do vậy, cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam. 

Lần sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gần nhất là vào năm 2014. Theo đó, thuế suất các sản phẩm đồ uống có cồn đã tăng liên tục trong 3 năm 2016 - 2018. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho hay, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều chỉnh các hàng hoá dịch vụ không phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, không khuyến khích, hạn chế tiêu dùng, hoặc thuộc nhóm sản phẩm ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, sức khoẻ cộng đồng, an sinh xã hội. Việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong vấn đề phòng ngừa, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, cụ thể thông qua chính sách thuế để giảm thiểu, kiểm soát sản phẩm có hại cho sức khỏe người dân.

“Chúng tôi nhất trí cao quan điểm điều tiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm đồ uống có cồn, rượu bia. Việc tăng thuế cần có sự hài hoà đảm bảo hạn chế tiêu dùng, định hướng sản xuất kinh doanh và yêu cầu điều tiết của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử nhất định” - bà Cúc chia sẻ. 

chuyen-gia-kinh-te-pld-1723097261.JPG
Việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới giảm thiểu, kiểm soát sản phẩm có hại cho sức khỏe người dân.

PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Thực hiện nguyên tắc này, nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng… 

Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Để chủ trương chính sách của Chính phủ về bảo vệ sức khoẻ người dân đạt hiệu quả như mong muốn, các chuyên gia kinh tế cũng đồng thuận, bên cạnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, cần tiến hành đồng bộ khác cùng với Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cần có các biên pháp quyết liêt chống hàng nhập lậu.

Đưa vào diện quản lý nộp thuế tiêu thụ đặc biệt rượu trong dân, sản xuất rượu không có đăng ký kinh doanh, không đảm bảo chất lượng gây ngộ độc, chết người, ảnh hưởng sức khảo nhân dân và trật tự, an sinh xã hội.

Mai Phương