Sức ép nhập khẩu từ Mỹ

minhtam

Xuất khẩu của sang Mỹ năm 2019 ước tăng khoảng 10 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, đặt Việt Nam trước sức ép nhập khẩu hàng hóa từ nước này tránh thâm hụt thương mại.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, 11 tháng, Việt Nam khẩu sang Mỹ 55 tỷ USD và nhập khẩu từ nước này 13 tỷ USD.

Xuất khẩu sang Mỹ không ngừng gia tăng trong những năm qua. Giai đoạn năm 2011 - 2018, mỗi năm xuất khẩu sang nước này tăng khoảng 5 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2019, dự kiến xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng khoảng 10 tỷ USD so với cùng kỳ. Cùng với đó, thặng dư thương mại của Việt Nam với nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng nới rộng.

Xuất nhập khẩu với Mỹ từ năm 2011 đến nay.
Xuất nhập khẩu với Mỹ từ năm 2011 đến nay.

Việt Nam đang đứng trước sức ép nhập khẩu từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Mới đây, Uỷ ban Nông nghiệp Mỹ đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu phần lớn thịt lợn, thịt gà ngay trong năm 2020 và tiến đến 0% trong năm 2027.

Các mặt hàng nông sản như táo tươi, nho tươi nhập từ nước này được kiến nghị đưa về 0% ngay trong năm 2020. Lúa mỳ, khoai tây chế biến... được đề nghị giảm thuế xuống 6% vào năm 2020 và 0% năm 2021.

"Việc tăng trưởng xuất khẩu càng nhanh, sức ép nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ càng lớn. Đây là điểm cần lưu ý nhất tại thời điểm này", TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành & doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin & Dự báo xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nói với Tạp chí Nhà Quản Lý.

Trước những thông tin trong sáng nay (13.12) về việc Nhà Trắng đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về nguyên tắc với Bắc Kinh để giải quyết căng thẳng thương mại, ông Thắng nhìn nhận, sau sự kiện này, Mỹ có thể sẽ xem xét các đối tác thâm hụt thương mại khác trong đó có Việt Nam. Cuối tháng 2, trong dịp Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp gỡ tại Hà Nội, các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ ký một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế quan trọng, tổng trị giá khoảng 21 tỷ USD. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam mua một loạt máy bay từ Boeing - động thái được cho để giảm thâm hụt thương mại với Washington.

Box 1: Hiện nay, máy vi tính, điện tử; máy móc thiết bị và bông các loại là những sản phẩm nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Mỹ với mức trên 1 tỷ USD sau 11 tháng. Các mặt hàng nông sản ở mức dưới 300 triệu USD.

Mỹ hiện là thị trường có giá trị xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh nhất, theo quan sát của TS Thắng, bên cạnh các thị trường mới trong khối CPTPP như Mexico, Peru, Chile, đóng góp vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung. Đến hết 30.11, cả nước xuất nhập khẩu 471 tỷ USD hàng hóa. Với mức xuất nhập khẩu bình quân 43 tỷ USD/tháng, con số cả năm được dự báo sẽ cán mốc 500 tỷ USD, gấp đôi quy mô GDP. Trong cơ cấu xuất nhập khẩu, khối doanh nghiệp FDI đang chiếm khoảng 65%.

Như vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục lập kỷ lục về xuất nhập khẩu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, thương mại bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ và xung đột kinh tế - chính trị diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu các nước trong khu vực đang có xu hướng giảm trong năm nay. Đặc biệt, đây sẽ là năm thứ tư Việt Nam xuất siêu liên tiếp. Sau 11 tháng, cả nước đang xuất siêu kỷ lục gần 11 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2018.

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Sức ép nhập khẩu từ Mỹ" tại chuyên mục Khoa học quản lý.