Sự lột xác ấn tượng của LPBank và tầm nhìn chiến lược của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy

Minh Quân

25/01/2025 09:06

Kể từ khi ông Nguyễn Đức Thụy đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) vào cuối năm 2022, LPBank đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất ngành. Từ việc đổi mới thương hiệu, tái định vị chiến lược đến việc thúc đẩy chuyển đổi số và mở rộng mạng lưới hoạt động, ông Thụy đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngân hàng.

Dấu ấn của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy

Sau nhiều năm tổ chức ở Hà Nội, Đại hội đồng cổ đông thường niên trong những lần gần đây của Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank – Mã CK: LPB) được đổ chức tại một địa điểm ở Ninh Bình – nơi dấy nghiệp của ông Nguyễn Đức Thụy và gia đình.

AGM của LPBank được “chuyển” về Ninh Bình sau khi ông Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT, và cũng là chiếc ghế quyền lực nhất tại ngân hàng, hồi tháng 12/2022.

Theo thông tin công bố việc cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của Lbank, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy. hiệnđang nắm hơn 70,7 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 2,76% vốn điều lệ, trong khi những người liên quan nắm giữ hơn 3,8 triệu cổ phiếu LPB (chiếm tỉ lệ 0,0002% vốn điều lệ).

ceo-06098-20241017154644-1737770481.jpeg
Từ khi chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Đức Thụy đã không ngừng để lại dấu ấn sâu sắc với vai trò lãnh đạo tại LPBank.

Doanh nhân Nguyễn Đức Thụy sinh ngày 11/9/1976 tại Gia Lập - Gia Viễn - Ninh Bình, là con trai thứ hai của doanh nhân Nguyễn Xuân Thành. Ông Thụy, tốt nghiệp Trường Đại học Bang Colorado (Colorado State University, Mỹ).

Trước khi gia nhập ngành ngân hàng với cương vị Phó Chủ tịch HĐQT LPBank hồi tháng 5-2021, ông Nguyễn Đức Thụy từng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ tài chính - chứng khoán đến thể thao, xi măng, năng lượng…

Sự thay đổi ngoạn mục nhất dưới “triều đại” của vị doanh nhân gốc Ninh Bình có lẽ là việc đổi LienVietPostBank thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam vào đầu năm. Việc đổi tên thể hiện định hướng phát triển mới, nâng tầm vị thế và hình ảnh của ngân hàng, đồng thời cũng là 'bước ngoặt trọng đại' trong lịch sử hoạt động.

Không chỉ thay tên đổi họ, kể từ khi đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thụy đã mang đến nhiều đổi mới chiến lược và tạo dấu ấn quan trọng, giúp ngân hàng đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Kết quả kinh doanh ấn tượng

Dưới sự lãnh đạo của ông Thụy, LPBank đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đã tăng 1,5 lần, từ 10.050 tỷ đồng năm 2021 lên 15.625 tỷ đồng vào năm 2023; lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp đôi, từ 2.873 tỷ đồng lên gần 5.600 tỷ đồng.

Trong quý III/2024, LPBank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế gần 2.900 tỷ đồng, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ thu nhập lãi thuần tăng 43% và lãi thuần từ dịch vụ tăng gấp 6,2 lần.

6695deac49d4d-1737770763.jpeg
Dưới sự lãnh đạo của ông Thụy, LPBank đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng.

Lũy kế 9 tháng, ngân hàng đạt 8.818 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 2,4 lần cùng kỳ, hoàn thành 84% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế quý III và lũy kế 9 tháng lần lượt đạt 2.331 tỷ đồng và 7.051 tỷ đồng, đều tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Chứng khoán LPBS, đơn vị thành viên của LPBank, hiện đang là quán quân tăng trưởng quý III với lợi nhuận đạt 33 tỷ đồng, tăng 273% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, LPBS đạt 49 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 334%, chỉ đứng sau Chứng khoán AseanS (+783%).

Đẩy mạnh số hóa và quản trị rủi ro

Dưới sự dẫn dắt của ông Thụy, LPBank đã đẩy mạnh quá trình số hóa, tập trung phát triển các dịch vụ trực tuyến và ứng dụng di động. Điều này giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ từ xa, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và giảm chi phí vận hành.

Ngoài ra, ông Thụy cũng chú trọng đến quản trị rủi ro, đặc biệt là kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu, giúp ngân hàng duy trì hoạt động bền vững trong bối cảnh thị trường biến động. Tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản của LPBank đạt 456.000 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, với dư nợ cho vay khách hàng tăng 16%, lên 320.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,96%, trong khi lượng tiền gửi khách hàng tăng 14%, đạt 271.000 tỷ đồng.

LPBank cũng duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên ngưỡng 13%, nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ CAR cao nhất thị trường, khẳng định năng lực quản lý rủi ro hiệu quả và đảm bảo sự ổn định bền vững cho ngân hàng.

Minh Quân