Số phận những dự án mà Shark Thủy đầu tư trong hai năm tham gia Shark Tank đang như thế nào?

Cao Chí Cang

07/12/2022 13:31

Sau khi tham gia ba mùa đầu tiên của chương trình Shark Tank Việt Nam, Shark Thủy đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các dự án mình “chốt deal”. Điểm chung của các startup do ông rót vốn là hầu hết đều bị các nhà đầu tư khác từ chối, và quan điểm của ông là: “Anh thích lao vào khi người khác bỏ đi”.

Thời gian vừa qua, “Shark Thủy” là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất vì liên quan đến hàng loạt lùm xùm như: nhà đầu tư tố quỵt nợ, công ty không trả lương nhân viên, trung tâm tiếng anh thu tiền học phí rồi đóng cửa,...Theo đó, Shark Thủy là tên gọi của ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Egroup, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (đơn vị sở hữu hệ thống trung tâm tiếng anh Apax English). Ông trở nên nổi tiếng hơn kể từ khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam xuyên suốt 3 mùa đầu tiên. Và tên gọi Shark Thủy gắn liền với vị chủ tịch này từ đó. Nhưng sau rất nhiều tin tức tiêu cực liên quan với nhà đầu tư này, nhà sản xuất của chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ đã phải chính thức lên tiếng.

Theo chia sẻ của bà Lê Hạnh - Giám đốc sản xuất của chương trình, việc ông Nguyễn Ngọc Thủy là một nhà đầu tư của Shark Tank Việt Nam đã kết thúc cách đây 3 năm. Hiện tại chương trình hoàn toàn không có sự hợp tác gì với bản thân ông và cả những doanh nghiệp do vị chủ tịch này điều hành. Còn những hoạt động sau khi tham gia Thương vụ bạc tỷ đều là việc của cá nhân và doanh nghiệp của ông điều hành, không liên quan gì đến chương trình. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, lúc tham gia chương trình ông Nguyễn Ngọc Thủy là một doanh nhân giỏi trong lĩnh vực giáo dục ở mảng đào tạo tiếng anh, nên có đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư. Đặc biệt, ông đã hoàn thành tất cả vai trò của một nhà đầu tư đối với các công ty khởi nghiệp trong chương trình, và ông đã chốt deal tổng cộng 9 thương vụ. Trải qua nhiều năm kể từ khi được Shark Thủy đầu tư, một số startup đã phải dừng hoạt động vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là vì dịch Covid-19. 

1. Soya Garden

Xuất hiện vào mùa 1 của Shark Tank Việt Nam, chuỗi cửa hàng đậu nành được sáng lập bởi CEO Hoàng Anh Tuấn và chị của mình đã kêu gọi 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần. Với tham vọng xây dựng một chuỗi cửa hàng bán sữa đậu nành ngang tầm với các chuỗi trà, cà phê lớn khác, và tạo ra xu hướng “đi đậu nành” thay cho “đi cà phê hay trà sữa”. Sau màn thuyết trình của hai nhà sáng lập, cả 4 nhà đầu tư đều đồng loạt từ chối xuống tiền. Tuy nhiên, tất cả mọi trường đã bất ngờ khi Shark Thủy lại đồng ý đầu tư vào thương vụ này, và tuyên bố rằng: “Anh thích lao vào khi người khác bỏ đi”. Cuối cùng, ông đã chốt bỏ ra 4 tỷ đồng và 11 tỷ đồng theo dạng trái phiếu doanh nghiệp với điều kiện hoàn vốn trong vòng 3 năm, để đổi lấy 45% cổ phần.

Thực tế sau khi chương trình diễn ra, ông Nguyễn Ngọc Thủy đã đầu tư 20 tỷ đồng cho Soya Garden, cao hơn 5 tỷ so với “deal” được chốt trên sóng truyền hình. Sang năm 2019, vị chủ tịch Egroup tiếp tục rót vốn thêm hai lần với tổng cộng số tiền là 100 tỷ đồng cho chuỗi cửa hàng đậu nành này, một con số rất khủng so với các khoản đầu tư khác của Thương vụ bạc tỷ. Sau khi nhận được 120 tỷ đồng tiền đầu tư, Soya Garden nhanh chóng trở thành “ngôi sao sáng” trong lĩnh vực F&B khi chi hàng đống tiền để có được những mặt bằng đẹp nhất tại các khu vực như TPHCM, Hà Nội,...Sau khi mở được hơn 50 cửa hàng, thì chuỗi bán đậu nành bắt đầu có sự sụt giảm vì kinh doanh không hiệu quả, đặc biệt là chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19 trong suốt hai năm. Đến thời điểm hiện tại chuỗi này chỉ còn lại vỏn vẹn 4 cửa hàng tại Hà Nội, sụt giảm 92% so với thời điểm cao nhất. Ngoài ra, nhà sáng lập Hoàng Anh Tuấn đã từ nhiệm vị trí CEO và người đại diện pháp luật của công ty đã được thay thế bởi một người khác. Đây được xem như là một thương vụ thất bại nặng nề của Shark Thủy.

nhung-du-an-cua-shark-thuy-dau-tu-trong-hai-nam-tham-gia-shark-tank-con-song-khong-2-1670272454.jpgShark Thủy và CEO Soya Hoàng Anh Tuấn tại buổi lễ công bố gói đầu tư 55 tỷ đồng

Mô hình du lịch tình nguyện V.E.O xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam ở tập 9 mùa 1 đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư bằng câu chuyện bị chẩn đoán bệnh nhầm kết quả của chính nhà sáng lập Nguyễn Huyền Phương. Dịch vụ chủ yếu của công ty là cung cấp những chuyến du lịch trải nghiệm cảnh đẹp, ẩm thực ngon kết hợp với các hoạt động cộng đồng như hỗ trợ giáo dục tại địa phương, sửa chữa điện, đường, trạm, quảng bá hình ảnh nơi đó,...Với mô hình khác lạ của mình, cô cùng đồng sáng lập Trần Quang Hưng mong muốn gọi được số vốn 2,2 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty. Sau cùng, Shark Thủy cùng hai Shark Phú và Shark Vương đồng ý chi ra 2,7 tỷ đồng để nhận được 36% cổ phần. Đến nay, trang web của công ty vẫn còn hoạt động và cung cấp các chuyến đi đến một số địa điểm như Sapa, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái,...với giá dao động từ 1.250.000 đồng - 2.390.000 đồng.

3. Xe lăn đa năng VH 

Đây là thương vụ khá đặc biệt khi ông Nguyễn Ngọc Thủy và các nhà đầu tư khác đồng ý bỏ vốn mà không quan tâm nhiều đến lợi nhuận. Công ty Phát triển sản phẩm thông minh VH do nhà sáng lập Lê Văn Hóa thành lập để tạo ra các loại xe lăn điện để hỗ trợ người khuyết tật tương tự như bố của mình. Với mục đích vô cùng ý nghĩa, anh Hóa kêu gọi 1 tỷ cho 20% cổ phần mặc dù chưa bán được sản phẩm nào. Nhưng vì mong muốn hỗ trợ cho VH, nên vị chủ tịch Egroup đã đồng ý cùng hai nhà đầu tư khác góp 1 tỷ để nhận được 36% cổ phần. Hiện tại, theo cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì công ty VH vẫn còn đang hoạt động, tuy nhiên không thể tìm kiếm được trang web sản phẩm của doanh nghiệp.

4. Umbala

Umbala Việt Nam là một nền tảng livestream ca hát, được ông Nguyễn Minh Thảo - Founder kiêm CEO của công ty thành lập, nhằm giúp người có tài năng kiếm thêm thu nhập và fan hâm mộ. Dự án từng kêu gọi vốn tại Silicon Valley (Mỹ) nhưng không thành công, và mong muốn kêu gọi 150.000 USD cho 5% cổ phần. Vì yêu thích chất “điên” của người sáng lập, Shark Thủy cùng Shark Vương chốt deal với mức giá 260.000 USD cho 15% cổ phần kèm theo điều kiện được giảm giá 25% ở vòng gọi vốn sau với nhà đầu tư mới. Theo chia sẻ của ông Thảo, dự án đã gặp thất bại vì không thể cạnh tranh lại Tiktok - một nền tảng chia sẻ video ngắn tương tự như mô hình của công ty. Ngoài ra, dù nhận được đầu tư với số tiền khủng nhưng cũng không thể đủ vốn để đầu tư phát triển người dùng, sản phẩm. Sau khi thất bại, công ty chuyển sang nghiên cứu và phát triển Umbala Network - một nền tảng công nghệ Blockchain liên kết các thiết bị với camera.

5. Magic Book

Magic Book là hệ thống sản phẩm đồ chơi trẻ em kết hợp sử dụng công nghệ với giá sản phẩm dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/bộ do CEO Bùi Quang Huy sáng lập. Xuất hiện trên chương trình Shark Tank Việt Nam với mức gọi vốn 500.000 USD đổi lấy 20% cổ phần công ty, Magic Book của ông Huy bị đa số các nhà đầu tư từ chối vì không hiệu quả. Chỉ có duy nhất một mình Shark Thủy chốt deal với 200.000 USD vốn đầu tư và 300.000 USD trái phiếu chuyển đổi trong vòng 2 năm để nhận 30% cổ phần công ty. Sau khoảng thời gian hơn 4 năm, tất cả những thông tin mới nhất về Magic Book được cập nhật lần cuối tận ở năm...2018. Mặc dù trang web của công ty vẫn còn tìm thấy, nhưng thông tin về sản phẩm cũng được chỉ đăng tải vào năm 2018 và hoàn toàn không có dấu hiệu hoạt động.

6. Chè bưởi Bống nấu

nhung-du-an-cua-shark-thuy-dau-tu-trong-hai-nam-tham-gia-shark-tank-con-song-khong-3-1670272631.jpg

Shark Thủy và Shark Hưng đầu tư tổng cộng 800 triệu cho thương vụ chè bưởi Bống

Đây là một trong những thương vụ khá thú vị khi cô bé Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc chỉ mới 11 tuổi đã kêu gọi đầu tư cho startup bán chè bưởi mang tên Bống của mình. Khi đó bé Bảo Ngọc đã được rót vốn lên đến 800 triệu đồng, bao gồm: 200 triệu đồng kinh doanh và 500 triệu học bổng từ ông Nguyễn Ngọc Thủy, cùng với 100 triệu đồng tài trợ của Shark Hưng. Sau nhiều năm trôi qua, món chè bưởi của nhà sáng lập trẻ tuổi này đã được cấp giấy chứng nhận bởi Cục Sở hữu trí tuệ, và bán hàng trăm ly mỗi ngày. Ngoài ra, Bảo Ngọc từng là đại sứ thương hiệu cho Apax Leaders - hệ thống trung tâm tiếng anh của Shark Thủy, và là niềm cảm hứng để vị chủ tịch Egroup thành lập dự án Kiddie Shark – Sếp nhí khởi nghiệp.

7. Talk Café 100% English

Talk Café 100% English là mô hình kinh doanh cà phê kết hợp với dạy tiếng buổi tối với học phí dao động từ 65.000 - 85.000 đồng/buổi, do anh Đinh Minh Quyền sáng lập. Nhờ vào lợi thế thu phí giá rẻ vì có khoản thu từ cà phê, nhà sáng lập này kêu gọi 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần. Sau cuộc cạnh tranh với Shark Linh trong thương vụ này, ông Thủy đã thành công với mức giá 5 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần công ty, và kèm thêm khoản lợi nhuận hai năm đầu từ anh Quyền sẽ chuyển cho ông. Kết thúc chương trình, chuỗi cà phê này được Shark Thủy rót vốn 3 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3/2020, nhà sáng lập Mình Quyền đã chia sẻ rằng công ty sẽ không thể trụ trong 1 tháng nữa, vì lượng tiền mặt đã cạn kiệt, nhà đầu tư thì gặp khó khăn vì dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng trực tiếp. Do chỉ là công ty khởi nghiệp chưa có tạo được nguồn tiền tích lũy, nên chuỗi cửa hàng đã thất bại vì không có phương án dự phòng. Đây lại là một thương vụ không thành công của ông Nguyễn Ngọc Thủy.

8. Pema - Nhà hàng chay

Nhà hàng chay có doanh thu chỉ 60 triệu/tháng với biên lợi nhuận khoảng 20% được thành lập bởi Lâm Hoài - người từng là giáo viên, cán bộ của Tỉnh đoàn Yên Bái. Cô kêu gọi 3 tỷ đồng cho 30% cổ phần của công ty và nhận được đa số cái lắc đầu của nhà đầu từ, trừ Shark Thủy. Mặc dù nhận xét là doanh thu quá thấp nhưng ông vẫn chấp nhận chi 3 tỷ đổi lấy 80% cổ phần và thương vụ hoàn thành. Thời điểm lên sóng chương trình Thương vụ bạc tỷ, Pema có một nhà hàng tại Yên Bái và dự định mở thêm hai chi nhánh ở Thái Nguyên, Hà Nội. Nhưng đến tháng 6/2021, nhà sáng lập Lâm Hoài đã chia sẻ về quyết định đóng cửa nhà hàng và đó cũng là bài đăng cuối cùng trên trang của Pema. Ngoài ra, dự định mở thêm chi nhánh cũng không thể thực hiện được.

nhung-du-an-cua-shark-thuy-dau-tu-trong-hai-nam-tham-gia-shark-tank-con-song-khong-4-1670272760.jpg

9. We Escape

We Escape là mô hình trò chơi dành cho một nhóm 2-8 người phải cùng nhau giải các câu đố, vượt chướng ngại vật để ra ngoài căn phòng và chiến thắng. Mong muốn thành lập một nơi để mọi người có thể rời xa điện thoại, rời xa công nghệ để kết nối với nhau của 4 chàng trai chuyên toán đã thuyết phục được Shark Thủy. Mặc dù các vị nhà đầu tư khác đều đồng loạt từ chối, nhưng ông vẫn quyết định rót 5 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần. Sau khi kết thúc chương trình, vị doanh nhân này đã tiếp tục tài trợ vốn cho dự án với tổng số tiền lên đến 30 tỷ đồng, và We Escape trở thành một dự án giải trí trong hệ thống Egroup của ông. Thương vụ này từng được xem là thành công của ông Thủy, khi trở thành hệ thống Escape Game lớn nhất Việt Nam với 8 cơ sở. Tuy nhiên, mùa dịch Covid-19 ập tới đã khiến cho startup này lao đao do buộc phải đóng cửa theo yêu cầu của nhà nước trong tình hình dịch bệnh. Trải qua khoảng thời gian dài không có nguồn thu, nhưng chi phí mặt bằng quá lớn khiến cho CEO Vương Chí Nhân phải tuyên bố đóng cửa toàn bộ hệ thống vào đầu năm 2022. Đây được xem như là dấu chấm hết cho một trong hai thương vụ đầu tư tiềm năng nhất của ông Nguyễn Ngọc Thủy. Sau khi bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào các dự án, vị chủ tịch này gần như không nhận lại gì. Tất cả các dự án gần như đều “chết”.

Cao Chí Cang