Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP HCM, là huyện rộng nhất thành phố với hơn 704 km2, dân số ít nhất thành phố với hơn 75.000 người. TP.HCM định hướng phát triển huyện này thành khu đô thị sinh thái biển, trở thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP HCM trong giai đoạn 2025 - 2030.
Khu du lịch lấn biển Cần Giờ (Dự án Vinhomes và Vinpearl Cần Giờ) rộng hơn 2.800 ha nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ do Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ (công ty con của Vingroup) làm chủ đầu tư được coi là dự án có quy mô lớn nhất Việt Nam. Để “đánh thức” Cần Giờ, Vingroup đã phải mất nhiều năm thuyết phục Chính phủ phê duyệt.
Tháng 2/2021, Tp.HCM đã ban hành 4 quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ – Phân khu A, B, C, D, E tổng diện tích hơn 2.800ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.
Trước đó vào tháng 6/2020, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM) do Vingroup đầu tư hay còn có tên gọi là Long Beach Cần Giờ (Vinhomes Cần Giờ) mới được phê duyệt điều chỉnh quy mô từ 600 ha lên 2.870 ha và tổng mức đầu tư lên tới 10 tỷ đô la Mỹ. Đây là lần thứ hai dự án này được điều chỉnh quy mô, tăng gấp gần 5 lần so với quy hoạch ban đầu.
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang tham vấn ý kiến của dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, chủ đầu tư cho biết dự kiến triển khai khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ tháng 4/2025 và hoàn thành vào năm 2030.
Dự án có khu A rộng nhất với 950 ha, gồm các mặt giáp biển Đông (cửa sông Đồng Tranh) và thị trấn Cần Thạnh. Đây sẽ là khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch khu vực cửa ngõ khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Phân khu B gần 660 ha, một mặt giáp biển Đông, còn lại giáp đường nội bộ ven biển khu du lịch 30/4. Phân khu này sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng), cây xanh đô thị và đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
Phân khu C khoảng 318 ha với hai mặt giáp biển được quy hoạch khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, khu đô thị hiện đại (biệt thự, liên kế, chung cư). Còn lại hơn 930 ha (diện tích cây xanh, mặt nước) dự kiến hình thành khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại như nhà liền kề, biệt thự.
Khu đô thị lấn biển trên dự kiến có tổng mức đầu tư trên 282.800 tỷ đồng. Phần lấn biển cần khoảng 65.600 tỷ, hạ tầng kỹ thuật hơn 32.500 tỷ, còn lại là đầu tư công trình kiến trúc khoảng 184.700 tỷ dồng.
Khi hình thành, dự án kỳ vọng trở thành nơi sinh sống của hơn 228.000 người - gấp 3 lần dân số Cần Giờ hiện tại, thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và tạo ra hơn 36.000 việc làm.
Được biết Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ - chủ đầu tư Dự án- có trụ sở đặt tại 72 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TPHCM được thành lập năm 2004 do bà Nguyễn Thục Hiền làm đại diện pháp luật. Bà Hiền cũng là đại diện pháp luật 15 công ty con khác của Tập đoàn Vingroup.