Khởi nghiệp từ đam mê trồng rau sạch
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau thủy canh của anh Liệu, được anh cho biết: Quê anh ở tỉnh Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng luyện kim Thái Nguyên, ra trường do không tìm được việc làm, nên năm 2014, anh đăng ký đi xuất khẩu lao động, công việc là sản xuất nông nghiệp sạch ở đất nước Malaysia do Trường Đại học UPM tổ chức.
Đến năm 2019, anh Liệu về lại Việt Nam, nhận thấy TP.Đà Nẵng là thị trường rất tiềm năng để cung ứng nguồn rau sạch, anh đã chọn "thành phố đáng sống" này để lập nghiệp, và quyết tâm xây dựng mô hình trồng rau thủy canh.
Nhìn những luống rau xà lách xanh non mơn mởn, ít ai nghĩ rằng chủ nhân là một nông dân nguyên được đào tạo bằng nghề kỹ thuật cơ khí mà gắn bó với nghề làm nông, trồng rau thủy canh.
Anh Liệu cho biết thêm, để có cơ ngơi như ngày hôm, anh nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và Hội Nông dân phường Hòa Phát đã tạo điều kiện cho anh khai thác đất dự án chưa được sử dụng, với diện tích là 1.200m2, anh rất phấn khởi, bỏ công sức ra dọn dẹp, thu gom các rác thải, đất đá, tạo ra mặt bằng sạch để sản xuất.
Anh Liệu nhớ lại, cách đây 3 năm, anh đầu tư hệ thống dây chuyền, ống dẫn, khung sắt, màng lưới… với số tiền hơn 500 triệu đồng để bắt đầu xây dựng mô hình trồng rau thủy canh.
Bằng kinh nghiệm học hỏi của mình trong những năm tháng tham gia xuất khẩu lao động ở Malaysia, nên việc trồng rau thủy canh đối với anh Liệu khá đơn giản và đem lại kết quả ấn tượng.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng rau thủy canh, anh Liệu cho hay, thật ra, trồng rau thủy canh rất dễ chứ không khó như nhiều người nghĩ.
Trước hết phải chọn cho được hạt giống rau tốt, tỷ lệ nảy mầm cao, khi tra hạt giống cần đổ một ít nước vào mút xốp để giữ ẩm, khoảng 4-5 ngày cây nảy mầm. Khi cây rau được hơn 10 ngày, sẽ tách ra, cho vào những rọ bằng nhựa và đưa lên giàn trồng.
Toàn bộ chất dinh dưỡng đã được pha sẵn vào một thùng phuy lớn, cứ mỗi tiếng tưới 1 lần, mỗi lần 15 phút, không được tưới vào ban đêm vì ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Khâu pha chất dinh dưỡng là rất quan trọng, đây là bí quyết và kinh nghiệm học hỏi từ nước ngoài, nhiều quá chưa hẵn là tốt, ít quá thì rau không phát triển, nếu không đúng sẽ dẫn đến rau bị úng.
Theo anh Liệu, nghề trồng rau thủy canh cần sự tỉ mỉ từ khâu thiết kế, đến chọn hướng đặt nhà màng lưới, làm sao không bị ảnh hưởng bởi gió mùa Đông Bắc, nếu làm sai hướng các luống rau sẽ bị gió thổi làm quắn các lá và rau không phát triển.
Lãi ròng hơn 20 triệu đồng/tháng
Dẫn chúng tôi tham quan vườn rau thủy canh của gia đình, anh Liệu chia sẻ: "Xuất phát từ nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng, tôi mạnh dạn tìm tòi, học hỏi về mô hình trồng rau thủy canh. Dù chi phí đầu tư khá cao nhưng tôi vẫn quyết tâm xây dựng, nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng".
Theo anh Liệu, so với phương pháp trồng rau truyền thống thì phương pháp trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm vượt trội, thân thiện với môi trường và cả người sản xuất.
Đặc biệt, phương pháp này cách ly được sản phẩm khỏi bề mặt của đất, nên giúp cây tránh được các loại sâu bệnh hại thường gặp như nấm bệnh, sâu hại. Yêu cầu tạo ra một sản phẩm rau sạch và an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, nên anh Liệu tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sinh trưởng của rau.
Ngoài ra, phương pháp thủy canh còn giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít tốn công chăm sóc. Hiện nay, mô hình trồng rau thủy canh của anh Liệu gồm các loại giống rau là xà lách, cải của Hà Lan.
Mỗi lứa, sau 28 ngày là đã cho thu hoạch, trọng lượng trung bình mỗi cây rau đạt từ 200-250gram, mỗi ngày anh thu hoạch gần 50kg, với giá bán từ 35.000-40.000 đồng/1kg. Điều đáng mừng là nguồn rau sạch của anh được hệ thống siêu thị Co.opmart bao tiêu toàn bộ đầu ra.
Mô hình sản xuất rau thủy canh của anh Liệu đã giải quyết cho 5 lao động có việc làm thường xuyên, với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; sau khi trừ các khoản chi phí, vườn rau thủy canh của anh Liệu đã đem lại lãi ròng cho anh hơn 20 triệu đồng/tháng.
Từ thành công ban đầu, anh quyết định mở rộng diện tích thêm 800m2 để sản xuất. Ngoài rau xà lách, anh dự tính sẽ đưa vào trồng nhiều loại rau xanh khác nhau như: Rau cải ngọt, bó xôi, cải cúc, rau muống và tiến tới trồng cả rau thơm các loại, phục vụ đồng bộ cho chuỗi rau ăn sống, đảm bảo an toàn và chất lượng.