Sáng 14-7: TP.HCM ghi nhận 666 ca, trong đó gồm 208 ca chưa rõ nguồn lây

Trung Kiên

14/07/2021 07:47

Sáng 14-7, Bộ Y tế công bố có thêm 909 ca mắc COVID-19 tại 16 tỉnh, thành phố; trong đó TP.HCM vẫn nhiều nhất với 666 ca, trong đó bao gồm cả 208 ca đang điều tra dịch tễ.

Bộ Y tế sáng 14-7 ghi nhận 909 ca dương tính nCoV, gồm 905 ca trong nước và 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

909 ca mắc từ số 34501-35409. Trong đó, 905 ca ghi nhận tại: TP HCM 666 ca, Đồng Nai 80, Khánh Hòa 44, Bến Tre 43, Bà Rịa - Vũng Tàu 19, Phú Yên 18, Vĩnh Long 17, Ninh Thuận và Tây Ninh mỗi nơi 4, Kiên Giang, Huế, An Giang và Bắc Ninh mỗi nơi 2, Sóc Trăng và Bình Định mỗi nơi một. Trong số này, 688 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa; 217 ca đang điều tra dịch tễ.

Tính đến 6h sáng 14-7, Việt Nam có tổng cộng 33.460 ca ghi nhận trong nước và 1.949 ca nhập cảnh.

Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27-4 đến nay là 31.890 ca, trong đó có 6.779 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 11 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình.

Có 7 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đắk Nông, Quảng Nam, Nam Định, Lào Cai.

666 ca (BN34747-BN35412) ghi nhận tại TP.HCM gồm 458 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 208 ca đang điều tra dịch tễ. Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP HCM lên 17.239.

Tối 13-7, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh có văn bản gửi khẩn Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và các đơn vị liên quan về việc triển khai các biện pháp thực hiện cách ly F0, F1 tại nhà trong giai đoạn hiện nay. Theo văn bản của Sở Y tế, được sự chấp thuận của ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - ngành y tế thành phố triển khai thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0, F1.

Về cách ly, điều trị F0, đối với trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.

Triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng: Cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.

Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

 

Đầu tháng 7-2021, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã báo cáo Chủ tịch UBND TPHCM về tổng hợp các phân tích, đánh giá, dự báo và giải pháp đối với dịch Coivid-19 trên địa bàn thành phố do hai nhóm chuyên gia nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright do tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright làm Trưởng nhóm. Nhóm Tech4Covid do tiến sĩ Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa công nghệ thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên làm Trưởng nhóm. Cả hai nhóm chuyên gia dự báo rằng TPHCM dịch đang đạt đỉnh và sẽ kết thúc vào tháng 8. 

 

Trung Kiên