Rạng Đông xác lập phương thức sản xuất mới – hiện đại và bền vững

Hạ Anh

26/04/2025 16:48

Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xác lập phương thức sản xuất tiên tiến hiện đại, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 về “Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trở thành động lực chủ yếu cho kỷ nguyên vươn mình bứt phá của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Chia sẻ tại sự kiện Ngày hội sáng tạo Rạng Đông Techday 11 diễn ra ngày 26/4, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh - Chuyên gia tư vấn trưởng Chuyển đổi số Rạng Đông cho biết, lộ trình Chuyển đổi số của Rạng Đông đến 2025 được chia làm 3 giai đoạn, tương ứng với 3 vòng lặp và 6 chuyển đổi lớn.

pgsts-nguyen-van-minh-pld-1745660915.jpg
PGS.TS. Nguyễn Văn Minh - Chuyên gia tư vấn trưởng Chuyển đổi số Rạng Đông.

Vòng lặp 1 - giai đoạn 2020 - 2021 (Khởi động, bắt đầu): Số hóa một số quy trình hiện có, thực hiện số hóa riêng lẻ, tập trung vào các trụ cột chính như sản xuất, phát triển thị trường, truyền thông - marketing và hoạt động nghiệp vụ vận hành.

Vòng lặp 2 - giai đoạn 2022 - 2023 (Hình thành - Chuyển đổi số ở vòng lặp cao hơn): Đồng bộ các module riêng lẻ, kết nối các quy trình; triển khai, đưa vào vận hành các ứng dụng di động (DMS, CRM).

Vòng lặp 3 - giai đoạn 2024 - 2025 (Hình thành doanh nghiệp thực - số): Thực hiện đồng bộ hóa từng phần mở rộng tiến tới đồng bộ hoá toàn phần; xây dựng, kết nối, khai thác dữ liệu trên một nền tảng cơ sở dữ liệu thống nhất.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Rạng Đông đã vững vàng vượt qua những con sóng lớn trong giai đoạn hiện nay với 6 chuyển đổi lớn. Một là, doanh nghiệp đã tìm được con đường chuyển đổi số của riêng mình. Sau khi nghiên cứu nhiều kinh nghiệm quốc tế, Rạng Đông đã lựa chọn phương pháp luận ST 2-3-5 (2 nguyên lý, 3 cặp nguyên tắc, 5 vấn đề trong chuyển đổi số doanh nghiệp) làm kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi số; củng cố lý luận phát triển, chuyển đổi thành công các vòng lặp trong chiến lược chuyển đổi số.

Hai là, triển khai thành công Chiến lược thương mại hoá hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ I-4.0*. Rạng Đông xác định lấy công nghệ chiếu sáng làm trung tâm để hình thành vùng công nghệ chiến lược, từ đó mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ, giúp Rạng Đông mở rộng không gian tăng trưởng mới (nhà thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh).

Ba là, chuyển đổi số hai xưởng sản xuất điện tử và thuỷ tinh - phích nước, thực hiện: Sản xuất xanh - thông minh - linh hoạt - quản lý chất lượng tin cậy, thực hiện tự động hoá, robot hoá và AI hoá.

Bốn là, chuyển đổi mô hình kinh doanh từ hình ống với nhiều khâu trung gian sang mô hình kinh doanh số (DBM).

Năm là, chuyển đổi mô hình tổ chức điều hành song song với việc đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ thông qua công tác thực tiễn, chuẩn bị tiền đề về nhân lực đưa Rạng Đông bước vào kỷ nguyên mới.

Sáu là, làm sâu sắc hơn bản sắc văn hoá "Rạng Đông Anh hùng và có Bác Hồ", đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", xây dựng con người Rạng Đông mới.

“Sau 5 năm tiến hành chuyển đổi số từ năm 2020 - 2024 thành công, để thích ứng với thời kỳ mới Rạng Đông tiến hành chuyển đổi kép: số (AI) và xanh. Chuyển đổi số trong giai đoạn này ở vòng lặp cao hơn: chuyển đổi AI và là phương thức để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh” - PGS.TS. Nguyễn Văn Minh cho biết.

rang-dong-pld-1745660915.jpg
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống được cải tiến mạnh mẽ, Rạng Đông đang phát triển nhiều sản phẩm thông minh, kết nối IoT.

Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 đã chỉ ra con đường thực hiện mô hình tăng trưởng mới bằng khoa học công nghệ nhằm xác lập phương thức sản xuất mới tiên tiến - hiện đại: Phương thức sản xuất số, đưa dân tộc vào kỷ nguyên vươn mình. Rạng Đông đã đề ra 7 đột phá chiến lược, trong đó đột phá thứ 7 với nội dung 3 đề án nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm tập trung mọi nguồn lực làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, kết hợp sáng tạo tinh hoa với sáng tạo đại chúng, hiện đại hóa công nghiệp sản xuất và tổ chức thúc đẩy mô hình kinh doanh DBM nhằm thương mại hóa các tri thức mới - kết quả của các đề án nghiên cứu khoa học công nghệ.

Đề án KH&CN số 01: “Tập trung mọi nguồn lực, làm chủ công nghệ chiến lược, hiện đại hóa công nghiệp sản xuất nhằm thương mại hóa thành công các sản phẩm tri thức trong kỷ nguyên Rạng Đông vươn mình bứt phá”.

Đề án KH&CN số 02: “Rạng Đông xây dựng công nghệ chiến lược - Tích hợp IoT và AI trong lĩnh vực chiếu sáng LED - năng lượng mặt trời và hệ thống điện mặt trời áp mái”.

Đề án KH&CN số 03: “Phân tích hiện trạng ứng dụng các công cụ AI đã triển khai trong công ty (2020 - 2024); xây dựng chương trình nghiên cứu ứng dụng bổ sung các công cụ AI có tính hướng đích, hệ thống và nền tảng trong năm 2025 nhằm tăng năng suất lao động, tái thiết lập các quy trình tạo giá trị mới ở các chuỗi hoạt động trọng yếu”.

Trong 3 đề án nghiên cứu khoa học công nghệ mà Rạng Đông đang triển khai, mục tiêu không chỉ đơn thuần là nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, mà còn nhằm biến các kết quả nghiên cứu này thành sản phẩm thực tiễn, thương mại hóa ra thị trường. Điều này sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới, giúp Rạng Đông không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn gia tăng giá trị từ các sản phẩm tri thức, công nghệ, sáng tạo.

Hạ Anh