Quảng Ninh: Quyết tâm nâng cao thứ hạng các Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI trong năm 2024

Phạm Hường

31/05/2024 16:01

Ngày 30/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá chuyên sâu các chỉ số đồng thời những khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số PCI, PAR-Index, SIPAS, PGI trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Hội nghị phân tích, đánh giá chuyên sâu các chỉ số được tổ chức thường niên nhằm nhìn lại một năm thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh nhằm giữ được chất lượng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phản ánh “đầu ra” của quá trình cải cách. Nhóm các chỉ số gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). 

Năm 2023 tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu toàn quốc các Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI, là năm thứ 7 liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI, năm thứ 6 tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số PAR-Index (năm 2018, 2019, 2020, 2022, 2023), là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019-2023) và năm đầu tiên dẫn đầu Chỉ số PGI. 

ong-cao-tuong-huy-pld-1717174802.jpg
Ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.

Đối với Chỉ số PAR-Index, tỉnh Quảng Ninh có 1/8 lĩnh vực tỉnh đã duy trì, giữ vững thứ hạng, đạt điểm tuyệt đối; có 3/8 lĩnh vực tăng điểm và tăng thứ hạng so với năm 2022; có 4/8 lĩnh vực của tỉnh đều tăng điểm nhưng giảm thứ hạng so với năm 2022.

Đối với Chỉ số PCI, tỉnh Quảng Ninh có 4/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2022, tuy nhiên lại có đến 6/10 chỉ số giảm điểm so với năm trước. Về xếp hạng, tỉnh có 5/10 chỉ số tăng hạng song cũng có 5/10 chỉ số giảm hạng. So sánh với mục tiêu đã đặt ra năm 2023, tỉnh Quảng Ninh chỉ có 4/10 chỉ số đạt mục tiêu về điểm số và 3/10 chỉ số đạt mục tiêu về thứ hạng. Trong đó, chỉ số Chi phí thời gian dẫn đầu cả nước; chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Chi phí không chính thức lần lượt đứng ở vị trí thứ 2/63 và 3/63.

Đối với Chỉ số SIPAS, theo kết quả tổng hợp đánh giá mức độ hài lòng năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh đạt 90,61%, cao hơn 7,95% so với mức độ hài lòng trung bình toàn quốc, tăng lên 3,02% so với năm 2022. Trong 9 nhóm tiêu chí để đo lường Chỉ số SIPAS năm 2023, Quảng Ninh tăng điểm so với năm 2022 ở cả 9 tiêu chí. Trong đó, có 4 tiêu chí xếp thứ nhất cả nước; 5 chỉ số còn lại đều xếp hạng thứ 2 và thứ 3 cả nước.

Đối với Chỉ số PGI, đây là năm thứ 2 chỉ số này được đưa vào đánh giá trong toàn quốc. Với tổng điểm đạt 26 điểm, Quảng Ninh thăng hạng từ vị trí thứ 4 năm 2022 lên thứ nhất năm 2023. Trong 4 chỉ số thành phần của Chỉ số PGI, Quảng Ninh có 4/4 chỉ số tăng điểm; 3/4 chỉ số tăng hạng so với năm 2022 và 1/4 chỉ số giảm hạng. So sánh với mục tiêu đã đặt ra năm 2023, tỉnh Quảng Ninh chỉ có 2/4 chỉ số đạt và vượt mục tiêu về thứ hạng và đứng top 5 toàn quốc.

cac-chuyen-gia-vcci-phan-tich-cac-chi-so-tai-hoi-nghi-pld-1717174802.jpg
Các chuyên gia VCCI phân tích các chỉ số tại Hội nghị.

Tại hội nghị, các chuyên gia của VCCI, Bộ Nội vụ, các đại biểu đều khẳng định những kết quả đạt được trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tiếp tục khẳng định sự hội tụ niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và là phần thưởng trân quý từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh. 

Đồng thời, kết quả này cũng minh chứng cho quá trình liên tục nỗ lực, bền bỉ của tỉnh trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp; trong xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu công tác; trong kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh trong hơn 10 năm qua với những quyết sách chính trị đổi mới mạnh mẽ; nỗ lực, tự lực, tự cường thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược; mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới phù hợp thực tiễn phát triển địa phương phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia đã đưa ra những phân tích chuyên sâu về các chỉ số và những khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số PCI, PAR-Index, SIPAS, PGI trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Để hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ và khắc phục tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, khuyến nghị của các chuyên gia để các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa bằng các giải pháp trong chương trình hành động của địa phương, cơ quan đơn vị để tổ chức thực hiện. Đồng thời, chủ động tiến hành phân tích, đánh giá tại đơn vị, địa phương mình để xác định rõ những nội dung cần thực hiện, đưa ra các giải pháp cụ thể. 

Từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải đổi mới tư duy, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; nêu cao vai trò nêu gương của người đứng đầu để tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, làm đúng, làm nhanh hơn, làm tốt hơn, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, nêu gương, làm gương ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.

Các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chỉ đạo của Tỉnh ủy, phấn đấu Quảng Ninh đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về bảo đảm an toàn, an ninh mạng. 

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ phận một cửa cấp xã. Các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, của doanh nghiệp để có giải pháp khắc phục kịp thời; nâng cao trách nhiệm thông tin, giải trình; giải quyết kịp thời, triệt để, thấu đáo các kiến nghị về cơ chế, chính sách, TTHC. Qua đó, tiếp tục tạo dựng và củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp.

Thứ hạng các Chỉ số của Quảng Ninh thể hiện tăng trưởng GRDP đạt trên hai con số trong 9 năm liên tiếp; GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc, đứng thứ 2 cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa luôn đứng trong tốp đầu cả nước; thu hút đầu tư năm 2023 đạt 5,1 tỷ USD, trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng. 

Phạm Hường