Hiện nay, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được người tiêu dùng rất đón nhận. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nội lực. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, vấn đề xúc tiến và quảng bá thương mại phải có những định hướng cụ thể.
Theo ngành Công thương Quảng Bình, trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. Không chỉ đơn thuần sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thành tiêu chí còn tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương.
Tìm đầu ra cho sản phẩm qua kết nối thương mại qua hoạt động điện tử
Cùng với các kênh phân phối, mua bán truyền thống, thời gian gần đây các cơ quan, đơn vị ở tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể sản xuất đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử. Đến nay, có gần 40 sản phẩm của Quảng Bình được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ngoài ra, Quảng Bình còn đẩy mạnh kết nối sản phẩm trên nền tảng số cho nên việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp ở địa phương này nhanh chóng và ổn định hơn.
Theo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Sở Công thương Quảng Bình, việc nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa trong tỉnh và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong việc thúc đẩy thương mại tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp như Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến thủy sản Long Tám, hộ kinh doanh Lê Văn Giáo, cơ sở sản xuất Bột cháo canh Kính Hương, cơ sở sản xuất rượu truyền thống Trường Chinh, Hợp tác xã Nông sản Vân Di... áp dụng các giải pháp công nghệ số, công nghệ mã QR code để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đồng thời hỗ trợ xây dựng 4 gian hàng Việt trực tuyến cho các doanh nghiệp trên. Việc phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, phát triển thương hiệu trên môi trường Internet thông qua kênh truyền thông marketing cũng đã được hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên.
Theo bà Hoàng Thị Hải Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Sở Công Thương, nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích của thương mại điện tử trong các doanh nghiệp tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Cơ sở vật chất và trang thiết bị, nguồn nhân lực tại phần lớn các đơn vị còn thiếu và yếu, chưa thật sự quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động Thương mại điện tử...
Theo các chuyên gia, việc đưa sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu lên các sàn thương mại điện tử hiện nay gặp không ít khó khăn bởi đây là phương thức tiêu thụ khá mới đối với người nông dân, nhất là đồng bào ở miền núi, vùng sâu. Đa số các chủ thể có sản phẩm ở Quảng Bình là những đơn vị nhỏ lẻ, hạn chế về quy mô sản xuất, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, gia truyền, nhưng khi tham gia vào chương trình thì phải đi theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cần có sự đổi mới trong phương thức, tổ chức sản xuất. Do đó, cách tiếp cận của các chủ thể cũng bị lúng túng. Các hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, hoạt động thương mại điện tử, tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm gắn liền với phát triển du lịch, hội chợ, triển lãm sản phẩm cấp tỉnh, vùng, quốc gia và quốc tế.
Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Sở Công thương Quảng Bình cho biết thêm, các giải pháp cụ thể để hỗ trợ mở rộng kênh phân phối, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm mà trước mắt là thâm nhập vào các kênh phân phối truyền thống, hiện đại nhằm tiếp tục hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến tới thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng thương mại điện tử, các giải pháp công nghệ số; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, liên kết thị trường, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử...
Việc xây dựng thị trường, nâng cao uy tín của doanh nghiệp và lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử thông qua tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xúc tiến bán hàng, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu trên môi trường TMĐT. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hiệu quả các hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình. Tăng cường kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh với sàn giao dịch thương mại điện tử các tỉnh, thành phố để hỗ trợ phân phối, tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Kết nối giao thương - Tạo chuỗi liên kết bền vững
Trên cơ sở thế mạnh của vùng, các địa phương đã nhanh chóng tìm ra những sản phẩm đặc trưng để định hướng, xây dựng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu. Các chương trình này, đã giúp các chủ cơ sở tiếp cận với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, uy tín về chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ở thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm ở thị trường quốc tế, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình ở các địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong chương trình, ưu tiên triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ nâng cấp chất lượng, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm được Quảng Bình vào cuộc sát sao. Việc ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hỗ trợ các khâu như đào tạo, tập huấn, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...
Thông qua, các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ chương trình có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.
Theo ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương, trên cơ sở phân tích, đánh giá, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa. Đây là lợi thế rất lớn, giúp các doanh nghiệp đánh giá, lựa chọn dòng sản phẩm để khởi nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nếu chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, đáp ứng về chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng sẽ tạo nên thương hiệu cho sản phẩm, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Góp phần vào sự thành công của mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp từ chương trình một cách bền vững.
Thời gian qua, Quảng Bình đã thực hiện nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến với người tiêu dùng, các hội nghị kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền cho các điểm bán sản phẩm trong chương trình. Nhiều hoạt động kết nối những sản phẩm trong chương trình này vào các điểm bán tại địa phương... Thông qua các hoạt động, các sản phẩm đã được khách hàng ghi nhận. Tuy nhiên, để sản phẩm có dấu ấn trên thị rường trong nước và quốc tế, Quảng Bình cần làm tốt thanh tra kiểm tra, các chủ thể cần có hướng đầu tư bài bản hơn để đưa sản phẩm vươn tầm hơn...
Năm 2024, tỉnh Quảng Bình có thêm 11 sản phẩm và bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Quảng Bình năm 2024. Cụ thể, 4 bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn bao gồm: Đồ dùng nhà bếp theo công nghệ sơn ta organic HTX Sản xuất, kinh doanh thương mại đũa gỗ Quảng Thủy, tinh bột nghệ đỏ và viên nghệ đỏ mật ong của HTX Nông sản Vân Di, cao và trà cà gai leo Thanh Bình, HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm, cùng với các loại hương trầm của HTX Nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Rồng Xanh. Ngoài ra, còn có 7 sản phẩm khác được công nhận, bao gồm: Nón lá công nghiệp Thành Sơn Công ty TNHH Sản xuất nón lá công nghiệp Thành Sơn, dầu lạc nguyên chất Trường Thủy, HTX Nông sản Trường Thủy, trà nhân sâm bố chính Tuệ Lâm Luxury- Công ty CP Tập đoàn Tuệ Lâm, khoai deo Linh Huệ, Công ty TNHH Linh Huệ, xúc xích heo thảo dược Hoài Sen HTX Nông nghiệp an toàn Tâm Sen, rượu Sim Xuân Hưng, HTX Sản xuất-kinh doanh nấm sạch và rượu Xuân Hưng, và khoai deo NhuMan, HTX sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản Như Mận. |