Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Hà Giang đã phối hợp với UBND huyện Vị Xuyên tổ chức tập huấn “Phổ biến kiến thức sản xuất chè cho nông dân theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ” nhằm nâng cao nhận thức, kỹ thuật sản xuất chè cho nông dân theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè Shan Tuyết Hà Giang.
Chuyên gia Hội KHCN Chè Việt Nam trình bày kỹ thuật sản xuất chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap, Hữu cơ
Phát biểu khai mạc, Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vị Xuyên cho biết, từ lâu nay, cây chè Shan Tuyết của Hà Giang đã trở thành một trong những cây công nghiệp chủ lực mang lại nguồn thu chủ yếu cho bà con nông dân các xã vùng cao của tỉnh. Đến nay, tổng diện tích chè của toàn tỉnh Hà Giang vào khoảng 20.818 ha, trong đó giống chè Shan Tuyết là 19,675 ha (chiếm 95% tổng diện tích chè của toàn tỉnh); Riêng huyện Vị Xuyên có 3.651,9 ha chè Shan Tuyết, trong đó có 3.333,6 ha chè cho thu hoạch. Từ nay đến năm 2020, định hướng phát triển sản phẩm chè Shan Tuyết của tỉnh là khai thác thị trường trong nước và xuất khẩu theo hướng VietGAP và Hữu cơ có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, do đòi hỏi khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, việc sản xuất, chế biến chè của các nông hộ trong hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ những hạn chế như phát triển manh mún, chưa áp dụng đúng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, kéo theo những khó khăn trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Để khắc phục những hạn chế nêu trên cần phải tập huấn PBKT sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cho các hộ nông dân vùng chè về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản chè theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để cung cấp sản phẩm chè sạch, chất lượng tốt ra thị trường trong nước và quốc tế, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm chè Shan Tuyết Hà Giang, cũng như góp phần phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Tại Hội nghị tập huấn, các chuyên gia, giảng viên Hội KHCN Chè Việt Nam đã cung cấp những kiến thức cơ bản về sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP - Vietnamese Good Agricultural Practices (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), tiêu chuẩn Hữu cơ (Hoàn toàn tự nhiên không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng, áp dụng các biện pháp bảo vệ và cải tạo độ phì cho đất trồng chè); Hướng dẫn quy trình sản xuất chế biến chè chất lượng cao cho xuất khẩu như: Đông Phương Mỹ nhân (Pái Hảo), Hồng Trà, Chè phổ nhĩ... nhằm mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho người sản xuất chè; Chuyên gia của CDI đã giới thiệu một số mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm Chè theo chuỗi giá trị mà Hà Giang có thể áp dụng được nhằm ổn định đời sống, phát triển kinh tế như: Chuỗi giá trị chè Shan Tuyết ở Yên Bái; Chuỗi giá trị chè Shan tuyết ở Tủa Chùa, Điện Biên; Mô hình doanh nghiệp liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh chè của Công ty TNHH Hiệp Thành, Công ty chè Tam Đường; Mô hình làm chè sạch với công nghệ chế biến của Nhóm Phụ nữ Mường Do, huyện Phù Yên, Sơn La.
Kết thúc tập huấn, đại diện UBND huyện Vị Xuyên đề nghị các doanh nghiệp, HTX và tất cả các hộ nông dân trên địa bàn xã Thượng Sơn và huyện Vị Xuyên cần phải thực hành áp dụng ngay quy trình công nghệ, kỹ thuật sản xuất chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, Hữu cơ đã được tập huấn.