Năm 2050, thế giới sẽ là ngôi nhà chung của 9,7 tỉ người với 70% trong số đó sẽ sinh sống tại các thành phố - theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố giữa năm nay. Sự tập trung dân số, tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh chóng đang tạo sức ép khổng lồ lên mọi vấn đề của thành phố, từ cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông, ứng phó với thiên tai cho đến các yêu cầu về nhà ở, năng lượng, an ninh, y tế, giáo dục, truyền thông và giải trí.
Đứng trước vấn đề mang tính toàn cầu đó, các thành phố trên thế giới đang buộc phải trở nên thông minh và sáng tạo hơn. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Xây dựng và phát triển thành phố thông minh là một trong những mục tiêu phát triển trọng điểm của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ chính trị về cách mạng 4.0. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có khu đô thị nào đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí của một đô thị thông minh (ĐTTM), bao gồm:
- Kinh tế thông minh
- Vận động thông minh (giao thông – hạ tầng kỹ thuật)
- Cư dân thông minh (nhân lực, năng lực)
- Môi trường thông minh (tài nguyên tự nhiên)
- Quản lý ĐTTM
- Chất lượng cuộc sống thông minh
Những khu ĐTTM hiện nay mới dừng lại ở những dự án, công trình nhỏ lẻ; thiếu đồng bộ, trên quy mô nhỏ. Nguyên nhân chính là thiếu sự kết nối các nguồn lực để xây dựng một giải pháp toàn diện về mọi mặt từ Chính sách xây dựng chính quyền điện tử, Chính sách xây dựng giao thông thông minh, giải pháp ứng dụng hiệu quả CNTT – truyền thông vào y tế, giáo dục – đào tạo,kiểm soát ô nhiễm môi trường, cảnh bảo thiên tai… Đặc biệt là phổ thông hoá những dữ kiện thông minh để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng; để mỗi người dân đều có thể trở thành cư dân ĐTTM.
Để góp phần giải quyết vấn đề đó, Viện Kinh Tế Xanh đã được giao nhiệm vụ thực hiện đề án Kết nối nguồn lưc phát triển ĐTTM thí điểm tại TPHCM. Bà Dương Thị Bích Diệp, Phó Viện trưởng Viện Kinh Tế Xanh cho biết: “Không chỉ nghiên cứu cách thức xây dựng ĐTTM của các nước tiên tiến, thực trạng của Việt Nam để tìm ra giải pháp, chúng tôi còn tìm hiểu, kết nối các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng thành công các khu ĐTTM tại Việt Nam mà điển hình là khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM. Chúng tôi sẽ đồng hành để xây dựng một khu đô thị thông minh lấy con người làm trung tâm, vì từng người dân, vì từng gia đình và vì đất nước sớm trở thành hiện thực, như lời của bí thư thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân từng chia sẻ”.
Khi nhận nhiệm vụ này, Viện Kinh Tế Xanh đã thực hiện các chuyến khảo sát, tham khảo các mô hình ĐTTM hàng đầu trên thế giới như Singapore, Copenhagen (Đan Mạch), Stockholm (Thụy Điển), Boston (Massachusetts, Mỹ), Seoul (Hàn Quốc)… Những chuyến nghiên cứu thực tế, những cuộc gặp với các chuyên gia hàng đầu đã giúp Viện có được những thông tin thiết thực, giàu tính ứng dụng trong việc quy hoạch và phát triển Khu Đô thị Sáng tạo Tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh trở thành “thánh địa” công nghệ mới với công nghệ thông tin làm nòng cốt. Đây sẽ là nơi tích hợp ba bài toán về chính sách là nông nghiệp, công nghệ thông tin và du lịch với ba “thung lũng” được xây dựng.
Trong đó, Thung lũng nông trại thông minh và Thung lũng trí tuệ thông minh gồm khu hạt giống, cây giống, khu nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm vận chuyển, kinh doanh, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, khu vực ươm trồng doanh nghiệp.v.v… với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tạo ra việc làm cho 15.000 lao động. Điều này hoàn toàn phù hợp với vị trí đắc địa của Khu đô thị, đó là việc kết nối dễ dàng với Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia TP.HCM hiện hữu.
Thung lũng nhà ở thông minh được trang bị các công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, mặt đất được công viên hóa trong khi bãi đậu xe được ngầm hóa, khu vực nhà ở được xây dựng phục vụ cho việc cư trú theo thế hệ như người già, trung niên và thanh niên…
Ngày 5/9/2019, Viện Kinh Tế Xanh đã mời về Việt Nam những chuyên gia hàng đầu Hàn Quốc, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng ĐTTM để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm với hơn 80 cán bộ lãnh đạo, đại diện các sở, ban ngành, UBND các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Trong đó có thể kể đến giáo sư Yang Yoon Jae – Giảng viên đại học quốc gia Seoul và là cựu Phó thị trưởng thành phố Seoul, người lên kế hoạch và chịu trách nhiệm thiết kế nhiều dự án quan trọng của thành phố Seoul như Phục hồi nguồn nước, cảnh quan của Cheonggyecheon, xây dựng hệ thống bus nhanh của thành phố; Ông Park Hyun Il – Giám đốc điều hành Bando Engineering & Construction, người chịu trách nhiệm phát triển nhiều dự án về nhà ở thân thiện với môi trường, năng lượng sinh thái, năng lượng bền vững… Cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo của các công ty hàng đầu Hàn Quốc trong việc xây dựng, cung cấp giải pháp công nghệ, tài chính cho đô thị thông minh như: Tập đoàn KT, Quỹ đầu tư Heritage Capital Management, Cty Samsung Enginnering, Công ty Mooyoung Architects…
Những sáng kiến của Viện Kinh Tế Xanh đã nhận được sự ghi nhận đặc biệt của lãnh đạo TPHCM. Tại "Toạ đàm về đô thị thông minh, hướng tới quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM", Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhận xét: Những nội dung của buổi làm việc này đã cung cấp một cái nhìn tổng quát về ĐTTM. Đây là những điểm rất là quan trọng để chúng ta vận dụng trong thời gian tới”.
Thông tin doanh nghiệp