Phát triển công nghiệp phát thải carbon thấp là con đường phù hợp với lộ trình tăng trưởng xanh

Mai Phương

08/05/2024 15:31

Đây là khẳng định của ông Ngô Đức Thanh – Đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) tại Hội thảo “Phát triển công nghiệp, năng lượng phát thải carbon thấp - Cơ hội và thách thức” diễn ra sáng 8/5 ở Hà Nội. Hội thảo do Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương tổ chức.

Tham luận tại Hội thảo với đề tài “Phát triển công nghiệp phát thải carbon thấp – Cơ hội và thách thức”, ông Ngô Đức Thanh – Đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết, nền kinh tế thế giới đang chuyển đổi theo hướng tăng trưởng sạch hơn và ít sử dụng carbon hơn. Nhu cầu về các sản phẩm carbon thấp dự kiến sẽ tăng ở mức 11%/năm, giai đoạn 2020 - 2050, và có thể tăng tốc khi thế giới bước vào mô hình không carbon.

ong-ngo-duc-thanh-pld-1715157151.JPG
Ông Ngô Đức Thanh – Đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương).

Theo Báo cáo chỉ số phát triển thế giới của World Bank (2020), Việt Nam có tốc độ phát thải nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với cường độ carbon đạt 502,1 triệu tấn CO2 quy đổi vào năm 2020 và 888,8 triệu tấn CO2 vào năm 2030 (tăng 51% so với giai đoạn 2004 - 2014). Tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, như: Malaysia, Indonesia, Trung Quốc – nơi được coi là có tốc độ tăng trưởng phát thải nhanh nhất thế giới.

Còn theo tổng hợp số liệu của PwC Việt Nam về phát thải carbon năm 2022 của toàn cầu và khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho thấy, Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cùng 5 nền kinh tế (New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam) đã vượt mốc giảm phát thải carbon theo mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), có mức giảm về hệ số phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch (VN: 6,5%, Pakistan: 15%, Singapore: 10,8%, New Zealand: 8,5%, Hàn Quốc: 4,4%).

“Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hướng tới phát triển bền vững, việc giảm phát thải CO2 là trách nhiệm chung của toàn xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững cho thế hệ tương lai. Vì vậy nghiên cứu và phát triển công nghiệp phát thải carbon thấp chính là con đường phù hợp với lộ trình tăng trưởng xanh” – ông Thanh khẳng định.

phat-trien-cong-nghiep-pld-1715157112.jpg
Hội thảo “Phát triển công nghiệp, năng lượng phát thải carbon thấp - Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương tổ chức.

Theo ước tính đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình công nghiệp chiếm 14,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính và là một trong 4 lĩnh vực phát thải khí nhà kính chủ yếu tại Việt Nam. Tính riêng cho năm 2014, IP phát thải 38,6 triệu tấn CO2tđ, chiếm 12% trong tổng lượng phát thải của quốc gia, các phân ngành chịu trách nhiệm chính cho phát thải khí nhà kính từ IPPU hiện nay là: sản xuất vật liệu xây dựng (sản xuất xi măng và sản xuất vôi) chiếm 91.16%; sản xuất amoniac (4.50%) và sản xuất sắt thép (4,34%).

Đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương  cho rằng, cần giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ tài nguyên và nhiên liệu bằng việc hiện đại hóa công nghệ, tái chế và quay vòng sản phẩm, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường; giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường, cần áp dụng các công nghệ carbon thấp, tiết kiệm năng lượng, tăng cường việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Trao đổi về những cơ hội cơ hội giúp Việt Nam đạt phát triển công nghiệp phát thải carbon thấp, ông Thanh thông tin, về mặt thể chế, chính sách, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy liên quan đến sản xuất sạch hơn nhằm bảo vệ môi trường và hướng tới tăng trưởng xanh trong lĩnh vực công nghiệp. Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước với quyết tâm thực hiện cam kết về mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời việc tham gia các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho Việt Nam có thể tiếp cận các nguồn lực về tài chính và công nghệ hiện đại từ các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức với mục tiêu này như: mô hình tiêu dùng và sản xuất của Việt Nam còn thâm dụng năng lượng cao và tạo nhiều chất thải không được tái chế – tái sử dụng; nền kinh tế Việt Nam có cường độ sử dụng điện cao, hơn cả Trung Quốc và cao gấp đôi Thái Lan; năng lực về vốn, phát triển công nghệ và sản xuất thiết bị (nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ ngành công nghiệp môi trường, giảm phát thải, thu giữ CO2; hiệu quả và tiến độ triển khai sản xuất sạch hơn tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế); thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm, hàng hóa carbon thấp, hàng hóa ngành công nghiệp môi trường; nhận thức, nguồn nhân lực và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp còn yếu (sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và áp dụng sản xuất sạch hơn, đổi mới công nghệ…); các quy định về phát triển bền vững, giảm phát thải CO2 của EU và các nước: thỏa thuận Xanh Châu Âu (EGD), CBAM,…

Mai Phương