Sản phẩm đặc sản của Quảng Bình gắn với mạng lưới các khách sạn, nhà hàng...
Trên địa bàn tỉnh sản phẩm OCOP đang ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng; bao bì, kiểu dáng, mẫu mã phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường, hình thành nên các nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền. Tính đến nay, toàn tỉnh có 168 sản phẩm OCOP còn thời hạn, gồm 28 sản phẩm 4 sao, 140 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của 107 chủ thể kinh tế. Trong đó, có 58 Hợp tác xã, 21 doanh nghiệp và 28 hộ kinh doanh cá thể. Một số sản phẩm OCOP nổi bật như: Nước mắm Ngọc Biển, nước mắm Long Tám, Mực ống Thanh Quang, Cá bờm trắng Vương Đoàn, Khoai gieo Linh Huệ, Bột bánh canh Kính hương, Bột bánh lọc Long Giang, Tinh bột nghệ Vân Di, Nấm Linh chi Tuấn Linh, Cao thìa canh Thanh Bình; các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ: ống hút tre An Mã, đũa gỗ Quảng Thủy, mây tre đan Vân Sơn,… đã trở thành những sản phẩm làm quà tặng, quà lưu niệm được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Quảng Bình.
Có thể nhận thấy những vùng sản phẩm OCOP của Quảng Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế và hội tụ các điều kiện thuận lợi để gắn với các hoạt động du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.
Theo ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình, để đẩy mạnh việc kết nối các sản phẩm OCOP Quảng Bình gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong những năm qua Sở Công Thương đã tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Quan tâm hỗ trợ các cửa hàng tiện ích bán hàng Việt, điểm bán hàng nông sản, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các địa điểm du lịch, địa bàn trung tâm du lịch của tỉnh, địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài tỉnh, cũng như khách quốc tế.
Hình thành các shop tự chọn, quầy bán các sản phẩm OCOP của Quảng Bình gắn với khu di tích Đền Công Chúa Liễu Hạnh, Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tham quan mô hình trình diễn sản xuất nón lá, bún bánh Ba Đồn, Quảng Trạch kết hợp hoạt động du lịch cộng đồng ở làng bích họa Cảnh Dương; Hình thành “con đường du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đến với di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng” kết hợp tham quan các mô hình chế biến dược liệu, nấm sạch, vườn hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh… mua sắm hàng lưu niệm OCOP Quảng Bình trên dọc hai bên tuyến đường tỉnh lộ 2 (từ ngã ba thị trấn Hoàn Lão đến ngã ba giao cắt giữa tỉnh lộ 2 và đường HCM nhánh Đông đến với khu du lịch Phong Nha Kẻ Bàng – thị trấn Xuân Sơn, huyện Bố Trạch); Xây dựng các video, clip về các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản của Quảng Bình gắn với mạng lưới các khách sạn, nhà hàng, điểm bán hàng OCOP trên địa bàn thành phố Đồng Hới.
Thực hiện việc quảng bá, giới thiệu, thông tin về sản phẩm và trao đổi mua bán online, thanh toán trực tuyến; Hình thành các shop tự chọn, quầy bán các sản phẩm OCOP của Quảng Bình gắn với khu di tích Chùa Hoàng Phúc, Núi Thần Đinh, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tham quan mô hình trình diễn sản xuất làng nghề ở huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh kết hợp hoạt động du lịch cộng đồng thưởng thức văn hóa bản địa hò khoan Lệ Thủy…
Góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ cho các mặt hàng nông sản
Theo ông Phan Hoài Nam, các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề (có mời chuyên gia tư vấn chuyên sâu về lĩnh vực du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng) để trao đổi, thảo luận xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của từng địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đủ quy mô diện tích, đăng ký mã vùng trồng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… để phục vụ cho việc sản xuất, chế biến các mặt hàng OCOP tại địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý của các sản phẩm OCOP; xây dựng bao bì, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… và các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo, giới thiệu, kết nối giao thương, tham gia giao dịch trao đổi mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, thanh toán onlie cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình.
Ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Bình đưa ra ý kiến, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản... Vai trò của du lịch nông thôn còn thể hiện trên các khía cạnh, đó là góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao; góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); phát huy giá trị văn hóa bằng các đặc sản địa phương.
Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã bám sát các nhiệm vụ được giao, tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương để đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc phát triển du lịch nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh hiện có, chưa huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nguồn lực của nhân dân; Việc kết nối các điểm du lịch nông thôn với các điểm du lịch nổi bật trên địa bàn tỉnh trong các chương trình tham quan phổ biến đến Quảng Bình chưa được triển khai hiệu quả, chưa thu hút được nhiều khách du lịch ngoại tỉnh; Việc đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn chỉ mới tập trung tại một số khu vực nhất định; các điểm du lịch đã được cấp phép còn chưa nhiều, có nhiều điểm vẫn đang hoạt động tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể; các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú.
Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, để tiếp tục tạo được sức cạnh tranh, hướng tới thị trường một cách sâu rộng đối với phát triển du lịch xanh và sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển du lịch xanh gắn với nội dung, ý nghĩa của chương trình OCOP, sự kết hợp này không chỉ tạo ra sự phát triển du lịch bền vững mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu qủa cao hơn.
Bà Đinh Thanh Loan - Phó Chủ tịch Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho hay: “Ngành du lịch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, khách du lịch cũng có nhu cầu rất lớn về việc thưởng thức ẩm thực; mua các sản phẩm lưu niệm, hàng đặc sản, thủ công mỹ nghệ... Vì thế, các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới việc kết nối giữa ngành thương mại, ngành du lịch.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP là cách làm hay, du lịch cộng đồng đến với vùng quê, bắt buộc sản phẩm OCOP hoà mình để cùng phát triển. Nhưng các doanh nghiệp cần làm mới sản phẩm, phải tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, làm tốt bao bì, đóng gói, chú trọng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý để thu hút du khách. Phải nắm bắt xu hướng trao đổi mua bán về thương mại điện tử, giao dịch không dùng tiền mặt trong giao thương hàng hóa.”
Việc Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Bình vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, gia tăng giá trị các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ cho các mặt hàng nông sản, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của cộng đồng, mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Thời gian tới, việc hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết với các hoạt động du lịch, để các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình ngày càng vươn xa, nâng tầm giá trị, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin tưởng sử dụng, hình thành những thương hiệu mạnh có uy tín trên thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.