Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình Phan Hoài Nam: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP là cách làm hay

Đinh Thanh Loan thực hiện

04/04/2024 18:07

Quảng Bình là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm uy tín OCOP trên thị trường. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nội lực. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, vấn đề xúc tiến và quảng bá thương mại phải có những định hướng cụ thể, Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý đã có cuộc đối thoại cùng ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình.

PV: Thưa ông, thời gian vừa qua, chương trình OCOP Quảng Bình đã có nhiều thành công. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các chương trình xúc tiến, quảng bá. Ông có thể chia sẻ những thành quả đã đạt được trong thời gian vừa qua?

Ông Phan Hoài Nam: Để nói về OCOP chúng ta hiểu, đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là một trong những tiêu chí về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. 

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng…

Theo đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát triển kinh tế nông thôn. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

img-56211-1705014112.jpg
Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình.

PV: Vậy thưa ông, làm thế nào để việc áp dụng sáng tạo, hiệu quả các cách làm hay, bài học tốt của các chủ thể thành công vào mô hình thực tiễn, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiệu quả?

Ông Phan Hoài Nam: Hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm; hoạt động thương mại điện tử; tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP gắn liền với phát triển du lịch, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP cấp tỉnh, vùng, quốc gia và quốc tế; xây dựng hệ thống Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP (Trung tâm OCOP) gắn với hỗ trợ khởi nghiệp và thiết kế mẫu mã sản phẩm OCOP, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP; điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại các khu du lịch, khu dân cư, tại các siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm hành chính (cấp huyện, tỉnh).

PV: Theo Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là OCOP), với mục tiêu xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, bảo đảm đồng bộ, các thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Bình được thương mại hóa trên toàn quốc. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn?

Ông Phan Hoài Nam: Có những thách thức từ quy mô sản xuất, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu nên đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và sản phẩm trong Chương trình OCOP nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm trong Chương trình OCOP là yêu cầu bức thiết và vô cùng quan trọng.

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP ở thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP ở thị trường quốc tế; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP ở các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Chương trình OCOP; ưu tiên triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ nâng cấp chất lượng, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Đối với sản phẩm OCOP Quảng Bình, đã ổn định về chất lượng, tuy nhiên việc định vị sản phẩm thông qua vỏ bao bì vẫn còn hạn chế ...

PV: Trên cơ sở thế mạnh của vùng, các địa phương đã nhanh chóng tìm ra những sản phẩm đặc trưng để định hướng, xây dựng thành sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu. Các chương trình này, đã giúp các chủ cơ sở tiếp cận với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, uy tín về chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vậy thưa ông, đâu là lợi thế của doanh nghiệp lúc này và cần phải làm gì để ngày càng gần hơn với người tiêu dùng?

Ông Phan Hoài Nam: Trên cơ sở phân tích, đánh giá cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa, đây là lợi thế rất lớn giúp các doanh nghiệp đánh giá, lựa chọn dòng sản phẩm để khởi nghiệp. Doanh nghiệp nếu chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, đáp ứng về chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng sẽ tạo nên thương hiệu cho sản phẩm, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần vào sự thành công của mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp từ Chương trình OCOP một cách bền vững.

img-56431-1-1705014151.jpg
Hội nghị "Kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình do Sở Công thương tổ chức vào tháng 12/2023.

PV: Thưa ông, các giải pháp cụ thể nào để hỗ trợ mở rộng kênh phân phối, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm mà trước mắt là thâm nhập vào các kênh phân phối truyền thống, hiện đại nhằm tiếp tục hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến tới thị trường xuất khẩu?

Chúng tôi đã tổ chức các hội nghị kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền cho các điểm bán sản phẩm trong chương trình OCOP và các hoạt động kết nối những sản phẩm trong chương trình này vào các điểm bán tại địa phương.

Thông qua, các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Cùng với Chương trình OCOP, việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được kết quả quan trọng, góp phần phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.

z5058397957279-72f00a947b4bee1190ae58eb493d4569-1705016317.jpg
Thời gian qua, Quảng Bình đã thực hiện nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hiện nay khi ngành du lịch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, khách du lịch cũng có nhu cầu rất lớn về việc thưởng thức ẩm thực; mua các sản phẩm lưu niệm, hàng đặc sản, thủ công mỹ nghệ... Vì thế, các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới việc kết nối giữa ngành thương mại và ngành du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP là cách làm hay, du lịch cộng đồng đến với vùng quê, bắt buộc sản phẩm OCOP hòa mình để cùng phát triển. Nhưng các doanh nghiệp cần làm mới sản phẩm, phải tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, làm tốt bao bì, đóng gói, chú trọng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý để thu hút du khách. Phải nắm bắt xu hướng trao đổi mua bán về thương mại điện tử, giao dịch không dùng tiền mặt trong giao thương hàng hóa.

Quảng Bình xác định du lịch là nghành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, du lịch đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới. Trong đó, có các sản phẩm hàng lưu niệm mà OCOP là sản phẩm chủ lực.

Không chỉ đơn thuần sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thành tiêu chí OCOP còn tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, nhờ đó không ít gia đình, xã, phường trên địa bàn tỉnh có được cuộc sống khá giả hơn, góp phần vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo, Quảng Bình có 162 sản phẩm OCOP, trong đó: Có 150 sản phẩm OCOP còn thời hạn (gồm 19 sản phẩm 4 sao, 131 sản phẩm OCOP đạt 3 sao), 12 sản phẩm OCOP đã hết thời hạn công nhận 36 tháng.

Về cơ cấu chủ thể kinh tế: Toàn tỉnh có 106 chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 59 Hợp tác xã, 24 doanh nghiệp, 23 hộ kinh doanh cá thể.

Dự kiến sắp tới tỉnh sẽ tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và công nhận thêm từ 7-10 sản phẩm OCOP 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh lên 26-29 sản phẩm, đạt và vượt mực tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 đề ra (Kế hoạch giai đoạn đề ra mục tiêu từ 20-25 sản phẩm OCOP 4 sao).

Đinh Thanh Loan thực hiện