Những vấn đề đặt ra với nông nghiệp Nhật Bản – bài học cho Việt Nam

thunguyen

28/11/2018 02:13

Theo số liệu của World Bank, Nhật Bản là một trong 20 quốc gia có năng suất lao động nông nghiệp cao nhất thế giới.

Ông Hiroshi Matsuura - bí tư thứ nhất đại sư quán Nhật Bản tại Việt Nam đã có bài phát biểu trong buổi hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”.

Bài phát biểu với chủ đề “Tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản” đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Theo số liệu của World Bank, Nhật Bản là một trong 20 quốc gia có năng suất lao động nông nghiệp cao nhất thế giới. Năm 2015, giá trị gia tăng bình quân của mỗi lao động trong lĩnh vực nông nghiệp Nhật Bản là 55.900 đô la Mỹ, giảm 1.456 đô la Mỹ so với một năm trước đó. Cũng theo số liệu từ WB, năm 2016, năng suất lao động mỗi lao động nông nghiệp Việt Nam chỉ ở mức 813 đô la Mỹ.

Để tăng năng suất lao động nông nghiệp, có hai biện pháp chính mà Nhật Bản áp dụng, đó là: Một, dồn điền đổi thửa. Hai là, tạo ra giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm.

Với biện pháp dồn điền đổi thửa, ưu điểm là ruộng đất được tích tụ, giúp nông dân Nhật Bản có thể canh tác trên một diện tích rộng, dẫn đến tăng năng suất. Tuy nhiên, việc tập trung ruộng đất cũng khiến số lượng lao động nông nghiệp của Nhật Bản giảm mạnh, dẫn đến dư thừa lao động, buộc phải chuyển dịch sang các ngành khác như công nghiệp, dịch vụ.

Japan Times dẫn số liệu từ Bộ nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản cho biết lao động nông nghiệp nước này năm 2015 còn 1,5 triệu người, giảm sâu từ con số 11 triệu người năm 1965.

Ngoài ra, khi mở rộng và hình thành các khu đất có diện tích lớn, lân cận các thành phố, có khả năng các khu vực đó bị chiếm dụng để xây dựng nhà ở và các trung tâm thương mại. Vấn đề này, theo ông Matsuura, Hà Nội cũng cần để ý để có các biện pháp ngăn chặn.

Cảnh quan, hệ sinh thái cũng là một vấn đề gặp phải khi Nhật Bản thực hiện dồn điền đổi thửa. Không phải khu vực nào cũng có thể tiến hành biện pháp này, ví dụ các khu vực vùng sâu vùng xa, giống Sapa của Việt Nam, ông Matsuura nhấn mạnh.

Ở gỉai pháp thứ hai, ông Matsuura đưa ví dụ về trái xoài ở nước này. “Một quả xoài chín được bán với giá tới 4.000 Yên, tức khoảng 850.000 đồng Việt Nam’ - bí thư thứ nhất đại sứ quán Nhật Bản bắt đầu câu chuyện.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam thực hiện phương pháp này, trồng các loại cây có giá trị cao, sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề cần giải quyết, bao gồm: Ai sẽ mua xoài giá cao, làm sao để vận chuyển đến tay người tiêu dùng, đảm bảo nơi bán hàng và hoàn thiện hạ tầng, vận chuyển?

Ngoài ra, khi tạo ra giá trị ra tăng, cần xác định khoản gía trị tăng thêm thuộc về ai, nông dân hay các thương lái trung gian?

Một biện pháp tạo giá trị gia tăng thường thấy ở Nhật Bản, bên cạnh nghiên cứu giống mới, theo ông Matsuura, là bảo quản để cung cấp các sản phẩm trái mùa. Ở Nhật Bản, người dân có táo ăn quanh năm trong khi thời gian thu hoạch táo chỉ ba tháng từ tháng 9 đến tháng 11. “Nếu vải Việt Nam làm được điều này, giá trị mang lại sẽ rất cao” - ông Matsuura gợi ý.

thunguyen