Những trụ cột của thành phố thông minh
Chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 4.2018, đến nay Cổng dữ liệu mở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chủ trương cung cấp các dữ liệu công khai xung quanh sáu lĩnh vực: Y tế, giáo dục, đầu tư, năng lượng, khí hậu và môi trường. Ba lĩnh vực đã có dữ liệu tương đối cập nhật là y tế, giáo dục và đầu tư.
Kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM là nền tảng quan trọng trong việc triển khai xây dựng đô thị thông minh; phục vụ triển khai các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của thành phố, đồng thời đây là nguồn cung cấp dữ liệu làm cơ sở phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố.
Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở là một trong bốn trụ cột TP.HCM hướng tới xây dựng thành phố thông minh, bên cạnh trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội thành phố, trung tâm an toàn thông tin của thành phố.
Tính đến cuối tháng 6.2019, sau 18 tháng triển khai thực hiện đề án đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng để triển khai trong các giai đoạn tiếp theo.
Trụ cột thứ nhất: Kho dữ liệu mở
TP.HCM đã triển khai hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu, thực hiện tích hợp một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng như CSDL văn bản điện tử, CSDL một cửa điện tử, CSDL khiếu nại tố cáo, CSDL đường dây nóng, CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL đầu tư nước ngoài, CSDL chứng chỉ hành nghề y… về kho dữ liệu dùng chung đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung.
TP.HCM cũng thử nghiệm cổng thông tin dữ liệu mở và cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục và dịch vụ, các dự án đầu tư nước ngoài và các dự án đầu tư công nhằm đến đông đảo người dân, doanh nghiệp.
Trụ cột thứ hai: Trung tâm điều hành đô thị thông minh
Về xây dựng trung tâm điều hành chỉ huy của đô thị thông minh, TP.HCM đã thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu từ hơn 1.000 camera giám sát của Sở Giao thông vận tải, UBND các quận 1, quận 12, quận Phú Nhuận và quận Gò Vấp; kết nối thông tin tổng hợp từ hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống một cửa điện tử…
Ngoài ra, một số đơn vị cũng thí điểm đề án và đạt được một số kết quả bước đầu. Cụ thể, tại UBND quận 1 thí điểm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, đã tích hợp hơn 750 camera trên địa bàn, gắn các camera quan sát tầm nhìn xa tại các vị trí trọng điểm phục vụ an ninh trật tự.
Với kết nối này, TP.HCM đang triển khai một phần công việc xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, thành lập trung tâm an toàn thông tin, là hai trụ cột còn lại. Việc truy cập các thông tin có được từ hệ thống camera đang được lắp đặt khắp thành phố sẽ được phân cấp và kiểm soát đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. Với công nghệ ngày càng hiện đại được tích hợp, những chiếc camera thế hệ mới có thể ghi nhận hình ảnh trực tiếp các phương tiện tham gia giao thông, đọc biển số, vận tốc từng phương tiện, nhận diện sự cố…
Khi các nguồn lực ngày càng hạn chế, trong điều kiện nhu cầu và số lượng dân cư thành phố không ngừng tăng lên (khoảng 200.000 người mỗi năm) - tái quy hoạch thành phố theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn là một xu hướng không tránh khỏi. “Chúng ta không đợi thật giàu rồi mới xây dựng đô thị thông minh” - ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành uỷ phát biểu trong lễ sơ kết tình hình thực hiện đề án.
Phát triển phía Đông thành phố
TP.HCM có hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Khu vực phía Đông nằm giữa hai con sông này có diện tích khoảng 21.000 héc-ta, dân số hiện hữu 1 triệu người, trong đó 12% là sinh viên. Khu vực này tập trung đầu tư các dự án hạ tầng chủ chốt trong năm năm qua bao gồm xa lộ Hà Nội, Đường Metro Line số 1, đường cao tốc Long Thành Dầu Dây. Khu vực phía Đông thành phố bao gồm ba quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với trường Đại học Quốc gia, khu công nghệ cao, khu đô thị mới Thủ Thiêm - có đủ điều kiện để trở thành một trung tâm mới của thành phố.
Đề án thí điểm sẽ đưa Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP HCM trở thành trung tâm nông nghiệp, công nghệ thông tin và du lịch dựa trên những lợi thế có sẵn của khu vực rộng 21.000 héc-ta.
Bà Lương Thu Anh - Trưởng phòng Khu trung tâm - Sở Quy hoạch TP.HCM cho biết thành phố có bốn nhóm mục tiêu để phát triển đô thị tương tác cao.
Mục tiêu thứ nhất là tạo ra những khu đô thị, khu kinh tế sáng tạo. Ở đây thành phố sẽ xây dựng các trung tâm kinh tế, nơi có không gian để các chuyên gia và con người sống ở đó, có thể gặp gỡ, trao đổi, phát sinh những ý tưởng mới. Trong các khu vực này phải có các hoạt động, những văn phòng khác để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và ươm mầm. Chỉ cần một số ít trong số đó thành công cũng có thể làm động lực kinh tế lớn cho sự phát triển. Tại những trung tâm này, cũng phải có không gian để đào tạo nguồn nhân lực và áp dụng những kỹ thuật mới, sáng tạo. Để điều hành những khu vực này thì phải ứng dụng internet vạn vật.
Mục tiêu thứ hai là đô thị vì con người. Đầu tiên là nhà ở cần có thu giá cả trung bình để cho mọi người dễ tiếp cận nhất là giới trẻ. Ngoài ra, về y tế, giáo dục phải có chất lượng tốt hơn và có thêm không gian để khuyến khích những hoạt động cộng đồng và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Mục tiêu thứ ba là phát triển cần đi chung với bảo vệ môi trường. Ví dụ như việc quan tâm đến các vấn đề ngập lụt và hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên địa phương, tiết kiệm nguồn nước sạch, quản lý nguồn nước thải.
Mục tiêu cuối cùng nữa là vấn đề giao thông, làm sao giao thông nhanh hơn dễ dàng hơn cho mọi người, tăng phương tiện công cộng, giảm thải CO2 từ các phương tiện giao thông, phân tách luồng giao thông. Đặc biệt, tại khu vực phía Đông hiện nay tình trạng giao thông vận tải hàng hóa xe container lẫn trong làn đường của vận tải hành khách. Vì vậy đang cần giải pháp chia tách các luồng giao thông này để đảm bảo an toàn. Cuối cùng là việc kết nối đa phương tiện giữa các phương tiện với nhau thông qua việc sử dụng internet vạn vật để người dân có thể tiếp cận với giao thông dễ dàng hơn.
Phát triển đô thị thông minh - một trong những trọng tâm trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư Ngày 27.9 vừa qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. |