Nhiều bệnh nhân Covid-19 khi khởi phát không có triệu chứng nhưng sau 7 ngày diễn tiến rất nặng hoặc thậm chí tử vong

Quỳnh Giang

12/07/2021 08:59

Khoảng 80% trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng, 20% trường hợp có triệu chứng trong đó số ca nặng 5%.

benh-nhan-covid-19-1626053438.jpg
Số ca nhiễm Covid-19 tử vong ở Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay là 116 ca.

 

Thống kê của Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, toàn quốc đã có hơn 15.000 ca Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế. Hiện, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam thấp hơn so với thế giới. Tính đến ngày 11/7, số ca Covid-19 tử vong trong đợt dịch này là 81, số tử vong từ đầu năm 2020 đến nay lên 116 ca.

Tuy nhiên chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang chi viện ở tỉnh Đồng Tháp về thực tế diễn ra ở địa phương này rất đáng quan tâm. 

Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 11/7 ghi nhận 17 ca tử vong, 16 ca nặng tiên lượng xấu, trong số hơn 500 ca Covid-19. Khoảng 80% trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng, 20% trường hợp có triệu chứng trong đó số ca nặng 5%.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết số bệnh nhân không triệu chứng hiện khoảng 80%, song cần cảnh giác với các ca ban đầu không có triệu chứng này. Nhiều bác sĩ nhầm lẫn, cho rằng bệnh nhân nhập viện không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, nghĩa là bệnh nhân nhẹ, do đó không theo dõi sát nên không phát hiện diễn biến nặng kịp thời.

"Thực tế, nhiều bệnh nhân Covid-19 khi khởi phát có thể không có triệu chứng gì đáng kể, nhưng sau 7-8 ngày diễn tiến rất nặng hoặc thậm chí tử vong", bác sĩ Cấp nói.

Theo bác sĩ Cấp, nhiều bệnh nhân Covid-19 không có biểu hiện khó thở dù bị tổn thương phổi nặng và suy hô hấp - hiện tượng "không triệu chứng giả". Tình trạng này không mới, đã xuất hiện ở nhiều đợt dịch Covid-19 trong nước, được gọi là thiếu oxy yên lặng. Nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm tốt và không có đủ thiết bị đo độ bão hòa oxy máu, có thể bỏ sót dấu hiệu khiến bệnh nhân nguy kịch hoặc tử vong.

Từ kinh nghiệm thực tế, bác sĩ Cấp cho biết  để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ diễn biến nặng, bác sĩ cần làm chủ xét nghiệm đánh giá về đông máu, miễn dịch, có năng lực phiên giải phù hợp kết quả xét nghiệm này. Song ở nhiều địa phương, hệ thống cơ sở y tế chưa thực hiện xét nghiệm, y bác sĩ chưa có năng lực phiên giải kết quả. Đến khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng như khó thở, sốc mới được phát hiện, kết quả điều trị kém hiệu quả.

Trở lại tình hình thực tế tại TPHCM, hiện nay số ca nhiễm tăng cao gây áp lực cho cơ sở y tế, tuy  nhiên theo ông Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết Thành phố vẫn chưa có chủ trương và không kỳ vọng áp dụng biện pháp cách ly điều trị F0 tại nhà. Lý do theo giải thích của Phó giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng là vì biến chủng Delta có diễn biến hết sức phức tạp, có thể trong vòng 1 ngày, người không có triệu chứng đã chuyển sang diễn biến khác, vì thế ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để kịp thời ứng biến. Nếu để F0 ở nhà cơ quan y tế sẽ không kịp ứng biến.

Trước tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TPHCM, ông Tăng Chí Thượng cho biết TPHCM đã chuẩn bị 36.500 giường điều trị Covid-19, trong đó 6.500 giường tại các bệnh viện điều trị Covid-19 và 30.000 giường tại các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Hiện nay 4 bệnh viện dã chiến đã đi vào hoạt động, sắp tới sẽ có thêm 5 bệnh viện dã chiến đặt tại các khu chung cư do Sở Xây dựng TPHCM cung cấp.

 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM vừa ký quyết định thành lập Sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM  nhằm đưa ra kế hoạch, biện pháp phòng dịch trên địa bàn TPHCM. Sở chỉ huy này gồm 16 thành viên, trong đó, có 1 chỉ huy trưởng, 1 phó chỉ huy thường trực, 7 phó chỉ huy trưởng và 7 thành viên.  Theo đó ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - làm chỉ huy trưởng Sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 TPHCM. Còn Ông Phan Văn Mãi - phó bí thư thường trực TP - làm phó chỉ huy thường trực.

Sở Chỉ huy có nhiệm vụ tham mưu giúp Thành ủy, UBND TPHCM quyết định các chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.  Đặc biệt, Sở sẽ quyết định hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên về áp dụng các biện pháp đặc biệt theo quy định của pháp luật và các biện pháp cần thiết trong tình huống dịch bệnh vượt quá khả năng của thành phố, như: Ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh Covid-19, thực hiện lệnh giới nghiêm... Trong tình huống khẩn cấp, Sở báo cáo ngay cấp trên để điều động lực lượng, phương tiện, vật chất hỗ trợ các lực lượng tại chỗ nhằm sớm ổn định tình hình .

 

Quỳnh Giang