Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết nguyên đán, thị trường bất động sản vẫn chìm trong không khí “ảm đạm”. Tuy nhiên, hiện nay không ít nhà đầu tư vẫn đang tìm đường ra cho bất động sản trước Tết, với hi vọng có nguồn tiền để đón xuân.
Anh H.V.P (ngụ quận Bình Tân), một môi giới chia sẻ, hiện có rất nhiều chủ nhà đầu tư nhờ tìm khách để ra hàng. Nguyên nhân là nhiều khách hàng không còn đủ sức “gồng” các bất động sản tiếp nữa.
“Đa phần các bất động sản tôi nhận của khách là nhà sổ chung, đất nông nghiệp. Nhiều nhà đầu tư đang rất cần tiền để trả các khoản nợ bên ngoài. Đồng thời, sắp đến Tết nên chuẩn bị tiền để lo cho nhân viên ăn Tết, vì thế họ chấp nhận bán lỗ đi một ít để có cái mà xoay xở. Tuy nhiên, tìm được người mua lúc này là cực kỳ khó, nhiều người có tiền nhưng giờ họ chỉ mua những bất động sản pháp lý rõ ràng, minh bạch để tránh rủi ro và đi đường dài…”, anh P. cho hay.
Tương tự, chị T.H (ngụ quận 10) cho biết, hiện vẫn đang tìm người mua để bán căn hộ của mình. Nguyên nhân là chị H. cần nguồn tiền để trả nợ cho người thân lúc vay tiền để mua nhà. Bên cạnh đó, với việc không tìm được ngân hàng cho vay ở thời điểm này nên khiến chị quyết định bán đi tài sản của mình.
“Lúc đầu, vợ chồng tôi mua căn hộ với mục tiêu là đầu tư, nếu không bán được thì cho thuê. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng tăng lên và khi mua nhà có vay của người thân. Giờ người thân cần tiền, nên tôi buộc phải rao bán, dù biết rằng cận Tết sẽ bị ép giá, nhưng tôi vẫn muốn tìm người mua để bán nhanh. Từ đó, có nguồn tiền để giải quyết chuyện nợ nần…”, chị H. tâm sự.
Nói về thị trường BĐS 2023, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, thị trường vẫn tiếp tục xấu, nhưng có hi vọng vào quý 2 và 3/2023. Thị trường sẽ phục hồi và phát triển ổn định lại vào 2025.
Theo ông Quang, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nguồn tiền, về vốn. Theo đó, thứ nhất phải giải quyết được câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Đối với doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hoặc một số doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, có thể chúng ta vào hỗ trợ xử lý, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả người mua trái phiếu, đồng thời ổn định thị trường.
Thứ hai về mặt ngân hàng, hiện mở room tín dụng cũng khó, nếu có mở thì cũng khó rót tiền tới doanh nghiệp bất động sản, bởi doanh nghiệp bất động sản không thuộc đối tượng ưu tiên. Bản thân các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất khác hiện đang gặp nhiều khó khăn về vốn..
Thứ ba về mặt lãi suất cho vay. Tôi nghĩ lãi suất là chính sách chung của Chính phủ, làm sao kéo lãi suất cho vay về khoảng 12% là hợp lý, hiện nay lãi suất ở một số ngân hàng lên tới 16% thì khó làm được gì.
Về mặt pháp lý, nên đưa ra những chính sách giải quyết liên quan tới đất công. Cụ thể cần đơn giản hoá thủ tục về cấp phép xây dựng đối với các dự án.
Chia sẻ mới đây, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, hiện tại, theo tìm hiểu của Tổ công tác của Thủ tướng, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn về 5 nhóm vấn đề.
Thứ nhất là vấn đề đất đai, giao đất, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, tính giá đất. Thứ hai là khó khăn về điều chỉnh quy hoạch thực hiện dự án. Khi điều chỉnh quy hoạch thì điều chỉnh giá đất.
Thứ ba là khó khăn các trình tự thủ tục đầu tư. Thứ tư, khó khăn liên quan đến pháp luật về nhà ở, nhất là nhà ở xã hội.
Đặc biệt là khó khăn thứ năm, xảy ra rất nhanh, trong một thời gian ngắn như vốn, tín dụng, trái phiếu, khó khăn. Cùng một thời điểm, các doanh nghiệp đáo hạn, đến hạn phải trả trái phiếu doanh nghiệp. Ông cũng cho biết hiện tại nhiều doanh nghiệp nhà thầu xây dựng cho công nhân nghỉ việc.
Thời gian qua, Tổ công tác Chính phủ tập trung giải quyết, hướng dẫn các thủ tục hành chính. Đồng thời, Tổ công tác cũng làm việc ngân hàng, đề nghị nới room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới room tín dụng, tạo thuận lợi bước đầu cho các doanh nghiệp.