Theo dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM lúc 20h30 ngày 19-8, trong hôm nay, TP xét nghiệm 17.150 mẫu, ghi nhận 4.371 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có đến 3.603 ca cộng đồng. Tính ra, tỉ lệ F0 trong cộng đồng chiếm đến hơn 82% so với tổng số ca mắc.
Như vậy, tỷ lệ F0 trong cộng đồng hôm nay tăng thêm 5% so với ngày hôm qua, 18-8.
F0 trong cộng đồng trong nhiều nhất là quận 10, Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Tân Bình, quận Bình Thạnh...
Cụ thể, trong 3.603 ca cộng đồng được phát hiện trong ngày 19-8, tại quận 10 có 348 ca, quận Bình Tân 310 ca, huyện Nhà Bè 296 ca, quận Tân Bình 270 ca, quận Bình Thạnh 248 ca. Đây cũng là các quận, huyện liên tục ghi nhận F0 trong cộng đồng cao vào những ngày qua.
Tại buổi họp báo về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 19/8, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết thành phố có gần 10 triệu dân, thống kê của Công an thành phố có thêm 3 triệu người tạm trú.
Theo ông Đức, thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều quyết định để hạn chế người dân ra đường nếu không cần thiết. Từ ngày 16/8, thành phố cho phép thêm một số nhóm công việc được ra ngoài để cung ứng hàng thiết yếu, bảo trì hạ tầng, kỹ thuật... tổng cộng khoảng 1,2 triệu người. Chưa kể mỗi ngày thành phố có hơn 200.000 người đi tiêm vaccine, ngày cao điểm khoảng 300.000 người.
Vì vậy mặc dù thời gian qua mỗi ngày có hơn 1 triệu lượt người ra đường nhưng theo ông Dương Anh Đức hầu hết số người ra đường nằm trong nhóm được phép. "Một số ít ra đường không đúng quy định bị xử phạt với tỷ lệ vi phạm dưới 1,5%", ông Đức nói.
Tuy nhiên việc F0 trong cộng đồng chiếm hơn 82% ca mắc mới cho thấy việc chống dịch ở TPHCM có nhiều thách thức. Nhiều người lo ngại việc hơn 1 triệu lượt người ra đường mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm F0 trong cộng đồng, tạo thành những "ổ dịch di động" hết sức nguy hiểm chưa kể Thành phố vẫn còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.
Trước tình hình F0 trong cộng đồng liên tục tăng cao, TPHCM vừa ban hành kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn Thành phố, kéo dài từ ngày 15/8 đến 15/9/2021.
Theo đó tại các vùng bình thường mới (vùng xanh, vùng cận xanh), người dân sẽ được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 10 với người đại diện hộ gia đình. Tần suất là 2 lần, cách nhau 7 ngày.
Vùng xanh và cận xanh có thể trở thành vùng sạch khi không có trường hợp dương tính sau 2 lần xét nghiệm hoặc có trường hợp dương tính nhưng có chỉ số CT lớn hơn hoặc bằng 30; Tỷ lệ tiêm chủng đạt 50% (đối tượng trên 18 tuổi); có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.
Tại vùng nguy cơ (màu vàng), xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 5 với người đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ các hộ gia đình để chuyển vùng vàng thành vùng xanh.
Trong khu vực phong tỏa, xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Tại đây, sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp) theo hộ gia đình. Có thể gỡ phong tỏa nếu kết quả xét nghiệm âm tính.
Ngoài khu vực phong tỏa, xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Có thể giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều nguy cơ bằng cách xét nghiệm mẫu gộp.
Để đảm bảo an toàn khi xét nghiệm trên diện rộng, việc lấy mẫu phải có sự tham gia của tổ trưởng hoặc tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố. Địa điểm lấy mẫu có thể tại hộ gia đình hoặc vị trí thuận lợi, mời lần lượt từng hộ gia đình ra lấy mẫu.
Người dân có thể tự lấy mẫu theo hướng dẫn của nhân viên y tế hoặc do đội lấy mẫu của địa phương thực hiện. Nếu tự lấy mẫu, người dân được cung cấp dụng cụ lấy mẫu. Mẫu sau đó được đem về các phòng xét nghiệm. Sau khi lấy mẫu, trung tâm y tế nhận và chuyển mẫu về các nơi xét nghiệm 3 lần/ngày vào các khung giờ 11 giờ, 18 giờ và 23 giờ.
HCDC được giao nhiệm vụ phải chuẩn bị 1 triệu test nhanh/tuần; đồ bảo hộ, kính che giọt bắn, găng tay… đảm bảo cho việc lấy mẫu 200.000 người/ngày (gồm cả mẫu đơn và mẫu gộp). Dự kiến TPHCM sẽ có 2.000 - 2.500 tình nguyện viên tham gia vào hoạt động lấy mẫu.