Năng lượng Việt Nam chuyển dịch về hướng xanh

minhtam

17/09/2020 12:22

Nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu nhưng thời gian qua Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng sạch.

Nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu nhưng thời gian qua Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng sạch. Theo báo cáo Cập nhật về năng lượng Việt Nam năm 2020, Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI), sẽ còn nhiều khó khăn trong những giai đoạn phát triển sắp tới -- bao gồm tích hợp các nguồn điện gió, điện mặt trời vào hệ thống, thậm chí là cả sự chống đối quyết liệt của những nhóm lợi ích nhiên liệu hoá thạch bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, quan điểm phát triển trong dài hạn của Việt Nam và xu thế phát triển cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật đáng kinh ngạc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên thế giới sẽ tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này tại Việt Nam.

Nhiệt điện than Việt Nam

Nhiệt điện than đang được huy động ở mức cao, là nguồn phát điện lớn nhất tại Việt Nam. Trong sáu tháng đầu năm 2020, sản lượng điện than đạt 69,77 tỉ kWh, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 58,4% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của cả nước.

Nhu cầu than trong nước tăng mạnh dẫn đến nhập khẩu luôn đạt mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã chi 2,26 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, để nhập khẩu than.

Tuy nhiên, việc phát triển các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn cả trong quá trình xây dựng, lựa chọn địa điểm cho các dự án mới và sự cạnh tranh của các loại hình thay thế như điện khí và năng lượng tái tạo. Ngày càng có nhiều địa phương nói không với việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, trong đó có cả Quảng Ninh, cái nôi của ngành than Việt Nam.

Điện mặt trời

Sản lượng điện mặt trời trong sáu tháng đầu năm đạt 4,71 tỉ kWh, tăng 5,35 lần so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 3,94% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của cả nước. Lĩnh vực điện mặt trời có bước phát triển đột phá khi hàng loạt dự án được đưa vào hoạt động trước 30.6.2019 để giành được ưu đãi 2.086 đồng/kWh (9,35 cent/kWh). Tuy nhiên, giai đoạn một năm kể từ tháng 6/2019, sự phát triển đã có sự chững lại nhất định. Các mức ưu đãi mới chưa thật sự hấp dẫn.

Dù vậy, những định hướng phát triển, sự chuẩn bị về chính sách đấu giá cho giai đoạn mới, sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời mái nhà và số lượng lớn các dự án đã được đưa vào quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này trong những năm tới.

Hoạt động nâng cấp, xây dựng mới hệ thống truyền tải điện nhằm giải toả công suất cho các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân được chấp thuận tham gia xây dựng đường dây truyền tải góp phần giải toả công suất lưới điện cho khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

Nhiều nhà máy điện mặt trời đang chứng tỏ được tính hiệu quả trong hoạt động thể hiện ở sự gia tăng về doanh thu và lợi nhuận.
Xuất hiện một số thông tin về hoạt động mua bán dự án tuy nhiên cơ quan quản lý đã khẳng định việc chuyển nhượng dự án là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường.

Điện gió


Lĩnh vực điện gió tại Việt Nam vẫn còn phát triển ở mức khiêm tốn và đang bị ảnh hưởng về công suất phát như các dự án điện mặt trời do những hạn chế trong vấn đề truyền tải. Chính phủ đang có những hỗ trợ về chính sách để thúc đẩy điện gió phát triển mạnh hơn. Gần 7 GW điện gió với mục tiêu thay thế công suất các nhà máy điện than chậm hoàn thành đã được Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch. Các cơ quan chức năng cũng đang xem xét kéo dài thời gian ưu đãi để tạo điều kiện xây dựng các dự án nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19.

Điện khí


Sản lượng khí thiên nhiên của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 là 4,83 tỉ mét khối, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Hiện sản lượng khí trong nước của Việt Nam và nhập khẩu qua đường ống từ Malaysia chủ yếu được cung cấp cho các nhà máy điện.

Sản lượng khí trong nước tiếp tục suy giảm trong khi quá trình phát triển các dự án khí lớn chưa có nhiều tiến triển. Một mỏ khí lớn mới được phát hiện được cho là có trữ lượng lớn hàng đầu Việt Nam có thể tạo ra nhiều triển vọng cho lĩnh vực khai thác dầu khí tại Việt Nam và đem đến nhiều thay đổi trong tính toán về vấn đề phát triển nhiệt điện sử dụng khí và kế hoạch nhập khẩu LNG của Việt Nam.

Lĩnh vực nhập khẩu khí LNG cho phát điện đang được thúc đẩy với việc triển khai xây dựng hai dự án kho cảng nhập khẩu đầu tiên tại khu vực phía Nam.

Các dự án đầu tư điện khí chạy bằng LNG nhập khẩu tiếp tục được đề xuất, trong đó một dự án 100% vốn nước ngoài đã được cấp phép đầu tư và một nhà máy điện hiện ữu đang được cải tạo và mở rộng để sử dụng LNG làm nhiên liệu phát điện.

"Trong năm qua, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với thành công trong lĩnh vực năng lượng sạch. Mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn dài, nhưng việc chuyển đổi từ sử dụng than đá sang các năng lượng tái tạo nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong những đất nước dẫn đầu tại Đông Nam Á, và cũng là tấm gương cho những đất nước khác muốn thực hiện quá trình chuyển dịch này. Việt Nam sẽ thu lại được rất nhiều lợi ích, không chỉ có khí hậu trở nên an toàn hơn, không khí trong lành hơn, mà bên cạnh đó còn là cơ hội việc làm và những khoản đầu tư mở ra. Trên thế giới, năng lượng tái tạo đang ngày càng khẳng định vị thế là một lựa chọn sáng suốt hơn, rẻ hơn, và việc Việt Nam nắm bắt cơ hội để thay đổi thực sự sẽ rất truyền cảm hứng cho nhiều nước khác trên thế giới", Laurence Tubiana, Tổng giám đốc Quỹ Khí hậu Châu Âu ECF bình luận.

MDI

minhtam