Mỹ thiếu lao động hậu cần, đơn hàng Việt Nam tụt giảm

thunguyen

25/03/2020 08:01

Thị trường của doanh nghiệp xuât khẩu bắt đầu chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh khi đơn hàng châu Âu và Mỹ giảm sút do lệnh giới nghiêm tại đây khiến lực lượng lao động hậu cần thiếu hụt.

Lào vừa phát hiện hai trường hợp dương tính với COVID-19 đầu tiên vào ngày 24.3. Tuy nhiên, trước đó hai tuần, từ khi Việt Nam xuất hiện bệnh nhân số 17 (ngày 6.3), vận tải biên giới Việt Nam - Lào đã được thắt chặt, khiến hàng hoá thông quan khó khăn. Bà Đặng Phương Thảo, chủ doanh nghiệp xuất khẩu than hoạt tính và hoá chất sang Lào cho biết công ty đã phải rất khó khăn khi lực lượng hải quan Lào tăng cường kiểm tra gắt gao, thậm chí phải thuê một công ty phía Lào để lo các thủ tục cho mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cho thuê kho tại Đồng Nai cũng đột ngột thông báo dừng hoạt động trong hai tuần do dịch bệnh, khiến công ty hoàn toàn thụ động trong việc tìm nhà kho mới.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình hình khó khăn, do dịch bệnh đang bùng phát và chính phủ các nước đang đưa ra các lệnh giới nghiêm chặt chẽ.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Phú - một trong những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, cho biết các đơn hàng đi Mỹ và EU đang bị các đối tác đề nghị hoãn giao hàng. “Các đối tác đang phải tập trung kiểm soát dịch bệnh, thị trường tiêu thụ khó khăn, và Minh Phú phải chia sẻ rủi ro này với họ. Hiện chưa có đối tác nào huỷ đơn hàng, họ chỉ đề nghị hoãn giao mà thôi” - ông Quang nói.

“Hiện lượng hàng xuất khẩu giao cho các cửa hàng, siêu thị hướng đến khách hàng cá nhân và hộ gia đình vẫn ổn định. Tuy nhiên, khách hàng của tôm Minh Phú còn là các du thuyền du lịch, nhà hàng, khách sạn,… Đại dịch khiến nhu cầu tiêu thụ nhóm này gần như không còn” - ông Quang bổ sung.

Không chỉ sụt giảm nhu cầu, lệnh giới nghiêm tại các thành phố tại Mỹ, Châu Âu đã khiến lực lượng lao động hậu cần giảm sút. Thậm chí hàng đã cập cảng vẫn không có công nhân lái xe đến nhận.

Việc tiêu thụ bị dồn ứ, hiện tại hàng tồn kho của Minh Phú đang cao gấp đôi so với cùng kỳ, ông Quang cho biết.

Tình trạng của ông Quang cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, may mặc, giày da Việt Nam.

Giảm đơn hàng hoặc hoãn giao hàng khiến lực lượng lao động hàng nghìn người của các doanh nghiệp này bị dư thừa tạm thời. Với những ngành thâm dụng lao động, giải quyết lượng lao động dư thừa trong giai đoạn khủng hoảng là việc vô cùng khó khăn.

Trong cuộc họp ngày 20.3, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá đây là tình huống chưa từng có. Với quy mô lớn, việc phục hồi của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới và hành động quyết liệt từ các quốc gia. Thị trường Việt Nam quá nhỏ đối với những ngành xuất khẩu tỉ đô như thuỷ hải sản, dệt may...

Trong thời gian tới, Vinatex ưu tiên việc giữ chân người lao động. Cùng với ngành chế biến xuất khẩu thuỷ hải sản, dệt may và da giày là những ngành thâm dụng lao động lớn nhất hiện nay. Số lượng công nhân trong mỗi nhà máy dệt may, da giày thường ở con số hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn. Chi phí cho quỹ lương công nhân là gánh nặng với các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn này.

Lao động dệt may mất khoảng thời gian khoảng 1 năm để có thể quen với công việc và trở thành người thợ thành thục. Vì vậy các doanh nghiệp không thể vì cuộc khủng hoảng có thể chỉ kéo dài vài tháng, mà sa thải lực lượng lao động phải mất một thời gian dài mới tạo dựng được.

Với Minh Phú, số lượng lao động 15 nghìn người của công ty đến nay chưa có ai buộc phải nghỉ việc. Công ty đang duy trì việc giãn ca, không tuyển mới, đồng thời tranh thủ thời gian này để đào tạo công nhân làm quen với các kỹ năng mới, tập dượt thêm các kỹ năng cũ.

“Tôi cho rằng khủng hoảng sẽ làm giảm doanh số Minh Phú trong vài ba tháng tới. Nhưng 2020 vẫn là năm được chúng tôi kỳ vọng đạt nhiều thành tựu. Hiện các kho hàng đã được thuê đầy đủ, tăng năng lực kho bãi, đảm bảo sản xuất tăng trưởng khi dịch bệnh đi qua” - ông Quang nhận xét.

Được biết, mỗi công nhân chế biến tại Minh Phú mất khoảng sáu tháng đến một năm để học nghề và làm việc thuần thục.

Minh Thư

thunguyen