Mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện CTCP Thế giới Di động (MWG) tự ý giảm tiền thuê mặt bằng tại một số cửa hàng Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) dù chủ cho thuê không đồng ý. ''Lùm xùm'' xung quanh vấn đề này công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Thế giới Di động đang chi bao nhiêu tiền trả chi phí mặt bằng cho hai chuỗi cửa hàng trên?
Tại sự kiện Shark Tank Forum 2020 diễn ra vào cuối tháng 11/2020, Chủ tịch Thế giới Di động, ông Nguyễn Đức Tài, từng cho biết, hàng nghìn cửa hàng TGDĐ và ĐMX đang duy trì tỷ lệ chi phí mặt bằng trên doanh thu không quá 2%.
"Tỷ lệ thuê mặt bằng trên doanh thu của chúng tôi chỉ khoảng 1,5-2%. Mặt bằng nào bất thường sẽ bị "xử" ngay. Tất nhiên có nhiều shop phải đóng cửa vì doanh thu không tương xứng với tiền thuê mặt bằng", ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
8 tháng đầu năm, hai chuỗi cửa hàng TGDĐ và ĐMX đã đóng góp hơn 57.500 tỷ đồng doanh thu cho MWG. Trong trường hợp tỷ lệ thuê mặt bằng/doanh thu không thay đổi, ước tính công ty đã chi ra khoảng 860 – 1.150 tỷ đồng để trả chi phí mặt bằng cho hai chuỗi cửa hàng trên trong 8 tháng đầu năm.
Đến cuối tháng 8, tổng số cửa hàng TGDĐ và ĐMX trên toàn quốc là 2.717 cửa hàng, tăng 377 cửa hàng so với cuối năm 2020. Do vậy, số tiền thuê mặt bằng bình quân công ty phải trả trên mỗi cửa hàng ước tính ở mức 42,5 – 56,8 triệu đồng/tháng.
Cũng tại sự kiên Shark Tank Forum 2020, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, khả năng tối ưu chi phí trên doanh thu đã giúp doanh nghiệp sống sót qua Covid-19.
Theo đó, suốt mùa dịch, toàn hệ thống rà soát lại các mặt bằng không đạt mức doanh thu tương xứng với giá thuê và yêu cầu giảm giá. Những địa điểm không thể cắt giảm chi phí ngay lập tức được trả lại, theo đúng chính sách "thắt lưng buộc bụng" đã đề ra.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của CTCP Thế giới Di động, công ty này mới đây đã báo cáo kết quả kinh doanh tháng 8 thấp nhất kể từ đầu năm khi hàng nghìn điểm bán đóng cửa.
MWG gọi tháng 8 là giai đoạn "thử thách chưa từng có’’ khi khoảng 2.000 điểm bán của TGDĐ và ĐMX trên toàn quốc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng. Các cửa hàng này chiếm 70% về số lượng và đóng góp hơn 80% giá trị doanh thu của hai chuỗi trong điều kiện bình thường. Do đó, tháng 8 cũng là tháng kinh doanh thấp điểm nhất MWG từ đầu năm với 6.500 tỷ đồng doanh thu và 222 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
So với tháng trước, doanh thu giảm gần một phần ba trong khi lợi nhuận chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tính từ tháng 5, doanh nghiệp này đã có 4 tháng liên tiếp sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.
Giai đoạn trước, dù hai chuỗi bán lẻ này gặp khó nhưng sự ''trội dậy'' của Bách Hóa Xanh vẫn giúp TGDĐ duy trì kết quả kinh doanh ổn định. Nhưng trong tuần cuối tháng 8, một nửa số cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TP HCM và các tỉnh Nam bộ không được phép bán trực tiếp đã ảnh hưởng lớn đến tình hình chung toàn doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, khi so sánh với tình hình 8 tháng năm 2020, cả doanh thu và lợi nhuận đều có sự tăng trưởng. TGDĐ vẫn hoàn thành 63% kế hoạch kinh doanh cả năm 2021.