Những gì phương tiện truyền thông đại chúng đang nhắc tới bitcoin khiến nhiều người liên tưởng tới lời tiên đoán đáng hổ thẹn về “cái chết của chứng khoán”.
Có lẽ lời dự báo tồi tệ nhất về thị trường chứng khoán là bài viết có tiêu đề Cái chết của chứng khoán (The Death of Equities) đăng trên trang nhất của ấn phẩm BusinessWeek xuất bản ngày 13.8.1979. Trong bài viết, tạp chí này lập luận rằng “dù tốt hay xấu... nền kinh tế Mỹ có lẽ phải chứng kiến cái chết của chứng khoán diễn ra lâu dài”. Bài viết này được ra mắt ở thời điểm không thể tệ hơn, bởi trong vòng 20 năm sau đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã sinh lời khoảng 18% mỗi năm.
Đầu năm 2019, cũng xuất hiện quan điểm tương tự về tiền mã hóa (cryptocurrency) và một số người còn tuyên bố rằng bitcoin có thể giảm xuống 1.000 USD hoặc thậm chí là về 0 (tức là bitcoin sẽ không còn giá trị). Nếu là một nhà đầu tư tiền mã hóa, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy dường như bitcoin đã rơi vào thị trường gấu (bear market, hay thị trường giá xuống) mà không bao giờ ngoi lên được. Nhưng lịch sử cho thấy điều đó khó xảy ra. Bitcoin từng được tuyên bố “chết đi sống lại” hơn 300 lần trong suốt vòng đời 10 năm qua.
Lĩnh vực blockchain và tiền mã hóa xoay quanh một ý tưởng lớn duy nhất: thế giới kỹ thuật số cần một loại tài sản, hợp đồng và phương thức thanh toán tân tiến nhất và bitcoin cơ bản đạt được giá trị này cho dù nhận nhiều chỉ trích.
Nếu vào tháng 12.2017, giá bitcoin lên tới khoảng 19.783 USD, phản ánh giới đầu tư điên cuồng và đắm chìm vào hoạt động đầu cơ, nhưng mức giá quanh 8.000 USD ở thời điểm giữa tháng 5.2019 phản ánh mức độ cực kỳ bi quan. Nhà đầu tư huyền thoại John Templeton tỏ ra hào hứng: “Thị trường gấu sinh ra từ sự bi quan, trưởng thành dựa trên mối hoài nghi, chín muồi nhờ sự lạc quan và chết đi vì đà hưng phấn”.
Trong bối cảnh này, bitcoin với tư cách là một loại tài sản luôn cực kỳ biến động nhưng các nhà đầu tư dài hạn vẫn thu về hậu hĩnh hơn số tiền thiệt hại cho sự biến động này. Bitcoin đã trải qua năm lần điều chỉnh lớn trên thị trường cho đến nay và thị trường gấu hiện tại trong năm 2018 là một trong những lần điều chỉnh mạnh nhất với mức giảm 82%.
Trước lần này, bitcoin rơi vào thị trường giá xuống từ ngày 23.11.2013 tới ngày 7.1.2015. Thời kỳ này thường được gọi là “Mùa đông của tiền mã hóa”, kéo dài trong 415 ngày và giá bitcoin giảm 83% từ mức đỉnh 1.149 USD xuống 197,24 USD. Sau khi giảm 83%, giá bitcoin đã lấy lại những gì đã mất và tăng 110 lần, hay 1.100% từ mức thấp nhất của chu kỳ thị trường gấu lần trước đó.
Các nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ dường như tiếp cận với bitcoin như một cuộc tranh luận giữa một bên là triết lý, một bên là cảm xúc. Hầu như không có bất kỳ lý do trung gian nào, dù mọi người có ưa hay ghét bitcoin và những gì nó đang đại diện, cụ thể là “tiền tệ không qua cơ quan nhà nước” được phân phối trên toàn cầu.
Không khó để tìm được những người cho rằng bitcoin là một trò lừa đảo (scam) và sẽ mất tất cả. Nhưng cũng khá cân bằng so với số nhà đầu tư đưa ra lựa chọn đầu tư vào bitcoin thay vì USD - loại tiền tệ của quốc gia có số nợ cao nhất. Nợ tiêu dùng của người Mỹ giờ đã vượt qua 4.000 tỉ USD, cao nhất trong lịch sử. Giới lãnh đạo ngân hàng truyền thống thường đưa ra lập luận rằng bitcoin có thể được sử dụng vào mục đích phạm tội. Mặc dù điều này có thể đúng nhưng cũng cần nhớ là ngành ngân hàng toàn cầu bị phạt 243 tỉ USD do các sai phạm tài chính kể từ năm 2008, trong khi tổng vốn hóa thị trường tiền mã hóa mới chỉ đạt 135 tỉ USD. Vậy nên cần đặt lại câu hỏi là đâu mới thực sự là hoạt động phạm pháp?
Khi vị tỉ phú và cũng là nhà đầu tư truyền thống Warren Buffett lên tiếng cho rằng bitcoin là một loại ảo tưởng và “thu hút những tay lừa đảo”, cần lưu ý Buffett là một cổ đông lớn của ngân hàng Mỹ Wells Fargo. Ngân hàng này bị phạt 93 lần vì có hoạt động sai phạm tài chính và gian lận, phải trả tổng cộng 14,8 tỉ USD tiền phạt kể từ năm 2000.
Đây là lý do vì sao vẫn tồn tại sự lạc quan về bitcoin hơn bao giờ hết: Galaxy S10 – dòng điện thoại thông minh mới nhất của Samsung hiện đã đính kèm ví Samsung Blockchain Wallet. Hay gần nhất giữa tháng 6, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã công bố phát triển tiền mã hoá Libra cùng 27 đối tác lớn trên thế giới như Visa, Mastercard, Spotify,... Sự kiện này khiến giới đầu tư hưng phấn trở lại và đẩy giá giao dịch bitcoin ngày 27.6 có lúc lên tới trên 14.000 USD, bởi đằng sau đó rõ ràng là niềm tin được nhóm lên trở lại vào sự chấp thuận rộng rãi của tiền mã hoá và công nghệ nền tảng blockchain.
Trong khi đó, vốn hóa thị trường bitcoin nhỏ hơn Starbucks và cũng chỉ có ít hơn 0,1% dân số thế giới sở hữu bitcoin. Còn khoảng 400 ngày nữa mới tới ngày sản lượng bitcoin sản xuất trong mỗi mười phút giảm đi một nửa (halving), trong khi thế giới đang chứng kiến mức nợ chính phủ kỷ lục và các thị trường chứng khoán trải qua thời kỳ nới lỏng định lượng (QE) quá đà, đang đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu.
Mặc dù rất khó dự đoán chính xác điều gì làm cho giá bitcoin biến động lớn, nhưng rõ ràng là bitcoin bị các bài viết và sự kiện cụ thể ảnh hưởng mạnh, cả tích cực lẫn tiêu cực cũng như thông qua các kênh tin tức và truyền thông. Bitcoin từng nhiều lần trải qua thị trường gấu nhưng rốt cuộc, nhà đầu tư bitcoin luôn xuất hiện và bitcoin sẽ không chết.
Bài viết: Rainer Michael Preiss, Chiến lược gia Quỹ Taurus Family Office (Singapore)
Ảnh: Shutterstock
Tạp chí Nhà Quản Lý số 03 - tháng 5.2019 - Tựa đề gốc: "Cái chết của Bitcoin?"