Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, trải qua hơn 8 năm thi hành, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế ở nước ta; qua đó tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước.
Luật đã phát huy hiệu quả, làm tăng tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ và kịp thời của hệ thống pháp luật; giúp quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL đi vào nền nếp ở cả Trung ương và địa phương; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhất là phản ứng chính sách; hạn chế việc ban hành thủ tục hành chính; hạn chế đáng kể, kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề trong công tác ban hành văn bản nhờ thực hiện nghiêm, đồng bộ hơn các khâu tiền kiểm (thẩm định, thẩm tra) và hậu kiểm (kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa).
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL cho thấy Luật cần được nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, phù hợp hơn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sau đại dịch COVID-19. Đồng thời nhằm thực hiện các mục tiêu hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn thiện, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, xây dựng chính sách bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả và các mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
“Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng Luật, việc tổng kết kết quả thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật kể từ khi được ban hành đến nay là rất cần thiết” - Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đánh giá về kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL, ông Đỗ Đức Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, với nhiều đổi mới quan trọng, Luật đã tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thời gian qua. Luật giảm hình thức, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản, nhờ đó giảm bớt sự cồng kềnh, phức tạp của hệ thống pháp luật.
Luật đã đổi mới căn bản việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (trước đây là chương trình nhiệm kỳ và chương trình hàng năm nhưng hiện nay chỉ còn chương trình hàng năm) với yêu cầu cao hơn về hồ sơ; nhờ đó tính khả thi của Chương trình cao hơn, từng bước khắc phục tình trạng xin lùi, rút, nâng cao chất lượng dự án đưa vào Chương trình…
Đồng tình với những định hướng sửa đổi Luật, ông Hiển đề nghị cần tiếp tục đơn giản hóa, giảm bớt tầng nấc, thu gọn đầu mối các cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL; làm rõ các phạm vi, vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cải tiến cách thức đề nghị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra VBQPPL; khắc phục vướng mắc thời gian qua như những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua trình tiếp như thế nào, ai trình; làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào từng công đoạn để tạo chuyển biến căn cơ trong quá trình soạn thảo văn bản.
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng chỉ ra một số hạn chế, đó là thủ tục ban hành VBQPPL còn rườm rà, thiếu linh hoạt, trong một số trường hợp chưa ban hành kịp thời để xử lý được một số vấn đề phát sinh. Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có việc tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chặt chẽ nhưng có độ mở, độ linh hoạt nhất định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn kết hợp hiệu lực áp dụng trực tiếp.
Đồng thời, nghiên cứu để đưa ra các quy định nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực gắn với vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn.
Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng, ban hành VBQPPL, nhất là trong việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất và tổ chức thi hành pháp luật.
Tiếp tục phát huy, bảo đảm dân chủ trên cơ sở tăng cường thu hút sự tham gia rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật; đảm bảo tính tương thích với điều ước quốc tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật…