Đợt này theo dõi nhiều sự kiện liên quan đến các công ty khởi nghiệp (start-up), tôi thấy báo chí và nhiều bạn hay dùng từ Founder và Chủ tịch. Tôi có mấy nhận xét và góp ý sau:
A. Founder hay Co-founder (“Người sáng lập” hay “Đồng sáng lập”)
Mình rất không ủng hộ việc dùng từ “founder” tràn lan và lạm dụng trong báo chí và danh xưng như hiện nay. Có hai lý do. Lý do thứ nhất là nên dùng tiếng Việt cho dễ hiểu và trong sáng. Cứ gọi là “Người sáng lập” công ty thì đâu có chết ai. Sao cứ phải “founder” thì mới là oai. Đọc cả bài viết bằng tiếng Việt, tự nhiên có mỹ từ “founder” thấy khó chịu như là nhai cơm phải sạn.
Lý do thứ hai là mình khuyên các bạn mới khởi nghiệp (và giới báo chí) nếu đã dùng thì nên dùng từ “đồng sáng lập” hoặc “co-founder”. Các bạn nên khiêm nhường về mình và đánh giá cao vai trò của những cộng sự của mình vì hiếm có công ty nào khởi nghiệp thành công mà chỉ do một người thành lập. Cá nhân mình thì rất xấu hổ nếu ai gọi mình là “founder” của cái này cái kia. Những gì mình làm được thì đều có dấu ấn của rất nhiều người cộng sự. Hãy công nhận sự đóng góp của họ. Không nên huyênh hoang tự “huyễn hoặc” mình quá sớm làm gì.
B. Chủ tịch/Chairman hay Tổng giám đốc/CEO
Có ai nhận ra những cái tên này không: Robyn Denholm, John Thompson, John Hennessy và Liang Hua? Theo thứ tự họ là chủ tịch HĐQT của Telsa, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), và Huawei. Có lẽ 90% những người đọc mà không dùng Google search (cả tôi cũng vậy) thì chẳng biết những người trên là ai.
Nhưng nếu hỏi: Elon Musk, Satya Nadella, Sundar Pichai và Nhậm Chính Phi thì chắc hơn 50% chúng ta sẽ biết. Họ là Tổng giám đốc (CEO) của Telsa, Microsoft, Alphabet/Google và Huawei.
Các bạn ở Việt Nam và báo chí Việt Nam rất thích dùng từ “Chủ tịch” mà có lẽ không hiểu thực sự bản chất của từ này là gì. Còn nếu đọc trên báo tài chính phương Tây và Đông Á hiện đại thì chúng ta thấy họ nhắc đến nhiều đến tổng giám đốc (CEO).
Theo mô hình quản trị của Mỹ/Anh (mà chúng ta đang học nhiều) thì chủ tịch không có vai trò quan trọng và lớn bằng CEO. Nhưng ở Việt Nam thì có lẽ từ “chủ tịch” nghe oách và sang hơn là “tổng giám đốc” nên anh chị em đua nhau dùng từ này. Từ công ty bé đến lớn. Công ty TNHH có vài người thì cũng gọi là chủ tịch, công ty lớn đại chúng cũng gọi là chủ tịch.
Theo định nghĩa (của luật Việt Nam và thông lệ trên thế giới) thì chủ tịch HĐQT (Chairman of the Board) có những quyền sau: a) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của HĐQT; b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ tọa cuộc họp HĐQT; c) Tổ chức việc thông qua nghị quyết của HĐQT; d) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐQT; e) Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp HĐQT; f) Quyền và nghĩa vụ khác theo qui định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Trong khi đó, Tổng giám đốc (TGĐ hay CEO), theo định nghĩa, là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc điều hành và đưa chiến lược công ty. Theo Wikipedia, CEO là “chức vụ điều hành cao nhất của một tổ chức, phụ trách tổng điều hành một tập đoàn, công ty, tổ chức hay một cơ quan. CEO phải báo cáo trước hội đồng quản trị của tổ chức đó.”
Vậy mối quan hệ giữa Chủ tịch và TGĐ là thế nào. Theo thông lệ thế giới thì TGĐ/CEO là người nắm quyền điều hành cao nhất. Còn Chủ tịch là người điều hành HĐQT (board of directors) nhằm quản trị công ty, giám sát ban Tổng Giám đốc (executive board). HĐQT thì giám sát còn Ban Tổng Giám đốc thì nắm quyền điều hành, trong đó CEO là người có vị trí cao nhất.
Có lẽ việc lạm dụng danh xưng “chủ tịch” là do chúng ta học được từ các bạn Trung Quốc hoặc các nước Đông Á. Ở những nền kinh tế này, danh xưng “chủ tịch” thường được gắn liền với “ông/bà chủ” là người sở hữu công ty nhiều nhất. Đồng thời, từ “chủ tịch” nghe rất oai. Không khác gì chủ tịch nước hay tổng thống cả.
Ở Việt Nam thì nhiều lúc chủ tịch hành xử như TGĐ/CEO. Việc quản trị thì không lo nhưng lại lo điều hành chỉ đạo TGĐ. Nếu thế thì các vị ấy nên xuống làm CEO còn hơn.
Cách gọi này nếu lạm dụng thì sẽ có hậu quả sau: a) giảm vai trò/coi thường vai trò của TGĐ/CEO, biến TGĐ thành bù nhìn; b) cổ vũ (một cách vô thức) cho mô hình kiểu công ty gia đìnhh hoặc xưng tụng một cách cải lương; c) không hiểu biết về nguyên tắc quản trị hiện đại hoặc vô tình cổ vũ cho sự nhập nhèm giữa quản trị và điều hành.
Do vậy, mình cũng khuyên cánh báo chí nên dùng sao cho chính xác. Hãy gọi những lãnh đạo chủ chốt với vị trí thực của họ là tổng giám đốc/giám đốc điều hành, thay vì tung hô ve vuốt họ bằng mỹ từ “chủ tịch”.