Lợi nhuận gần 3.800 tỷ của TPBank đến từ đâu?

Quang Khải

28/07/2022 15:12

TPBank kết thúc 6 tháng đầu năm khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.800 tỷ đồng. Đây là mức lãi bán niên cao kỷ lục của ngân hàng này.

livebank1-1658992951.png
Tính đến hết tháng 6/2022, tổng tài sản TPBank tăng 6,1% đạt gần 310.772 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận trước thuế đạt 2.165 tỷ đồng, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận TPBank tăng 26% lên mức kỷ lục 3.788 tỷ đồng. Với kết quả này, ngân hàng đã thực hiện được hơn 46% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của TPBank đạt 5.866 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ và đóng góp gần 72% tổng thu nhập hoạt động ngân hàng. Kết quả này có được nhờ tín dụng mở rộng mạnh mẽ và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) duy trì ở mức cao.

Thu nhập ngoài lãi của TPBank cũng ghi nhận kết quả ấn tượng nhờ sự bứt phá của mảng dịch vụ (1.192 tỷ) và kinh doanh ngoại hối (211 tỷ đồng). Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gần 72% chủ yếu đến từ lãi thuần mảng thanh toán với hơn 600 tỷ, tăng 273% so với cùng kỳ.  

Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối ghi nhận tăng hơn 34%, riêng quý II ngân hàng lãi 179 tỷ đồng từ mảng này. Hoạt động kinh doanh khác mang về khoản lãi 378 tỷ đồng nhờ thu từ các khoản nợ đã được xử lý.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của TPBank trong nửa đầu năm đạt 8.189 tỷ đồng, tăng 31,4%.  Sau khi trừ chi phí hoạt động hơn 3.000 tỷ, ngân hàng lãi thuần 5.188 tỷ đồng, cao hơn 29,4% so với cùng kỳ 2021.

Nhờ sự khởi sắc này, dù phải tăng chí phí dự phòng thêm gần 40%, ngân hàng vẫn có được khoản lãi trước thuế gần 3.788 tỷ, tăng 26%.

tpbank-1659157924.png

Trích báo cáo tài chính Quý II/2022 của TPBank

Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản TPBank tăng 6,1% đạt gần 310.772 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,5% lên 151.435 tỷ (bao gồm cả mua nợ). Tiền gửi khách hàng tăng 12%, cao hơn nhiều mức tăng chung của ngành ngân hàng.

Vào cuối quý  II, tỷ lệ nợ xấu của TPBank tiếp tục duy trì ở dưới 1% (0,85%), thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ gần 153% vào cuối năm 2021 lên hơn 161%.

Năm 2022, TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khoảng 36% so với 2021, tương đương mức 8.200 tỉ đồng. Tổng tài sản kế hoạch đạt 350.000 tỉ đồng, tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Dư nợ dự kiến đạt 188.800 tỷ đồng, tăng 18%. Tổng giá trị huy động đạt 292.579 tỷ, tương đương tăng 12%, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 15% và đạt mức trên 201.000 tỷ đồng.

Là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp trong hệ thống, năm 2022, TPBank tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ này ở mức không quá 1,5%. 

Theo giới phân tích, TPBank là ngân hàng trẻ tư nhân năng động, tích cực đổi mới trong sản phẩm và công nghệ. Với nỗ lực chuyển đổi số và tiên phong trong thiết kế sản phẩm, ngân hàng sẽ thú hút được nhiều người dùng mới và do đó hoàn toàn có thể đạt và vượt các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.

Thực tế, TPBank tăng thêm gần 1,5 triệu khách hàng mới trong nửa đầu năm, tương đương tăng trưởng 25%, nâng tổng số khách hàng mà ngân hàng đang phục vụ lên hơn 6 triệu khách hàng.

‘’Cơ sở khách hàng mạnh mẽ không chỉ hỗ trợ TPBank mở rộng số dư CASA của mình (giúp chi phí vốn), đặc biệt là từ nhóm khách hàng cá nhân, vốn bền vững hơn so với nhóm khách hàng doanh nghiệp; mà còn mang lại nhiều cơ hội bán chéo hơn, điều này chắc chắn có lợi cho tăng trưởng thu nhập ngoài lãi’’, Chứng khoán Bảo Việt nhận định.

Đồng quan điểm, SSI Research nhận định TPBank đã không ngừng đạt được những bước tiến vững chắc trong hành trình số hóa. Trong quý II/2022, TPBank đã có thêm khoảng 800.000 khách hàng mới, nâng tệp khách hàng hiện có lên 6 triệu khách hàng cá nhân và hơn 65.000 khách hàng doanh nghiệp.

Tại báo cáo phát hành gần đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng chiến lược tập trung vào nhóm khách hàng trẻ giúp TPBank tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn. Đây sẽ là bệ đỡ duy trì chi phí huy động trong áp lực lãi suất huy động có kì hạn tăng nhẹ.

Theo VCBS, giai đoạn 2015 – 2021, TPB chứng kiến CASA tăng trưởng bốn lần, từ gần 7.500 tỷ lên gần 31.000 tỷ đồng. Nhờ sự tập trung trong chuyển đổi số hóa và tiên phong trong thiết kế sản phẩm giao dịch 0 đồng, TPBank thu hút chủ yếu nhóm khách hàng cá nhân trẻ, yêu thích trải nghiệm công nghệ và tiết kiệm chi phí giao dịch.

VCBS dẫn chia sẻ của Ban Lãnh đạo ngân hàng cho biết, TPBank là ngân hàng đầu tiên có thể thực hiện 2 triệu giao dịch/ phút, liên kết với nhiều ngân hàng và đối tác trên nền tảng giao dịch online, đáp ứng nhu cầu giao dịch của giới trẻ, đặc biệt trong các ngày ưu đãi mua sắm như Black Friday,… Ban Lãnh đạo TPBank tự tin về công nghệ số tiên phong của mình luôn có lợi thế nhất định, bỏ xa đối thủ đang thiết kế các sản phẩm tương tự. Đội ngũ IT của TPBank tự triển khai được các dự án số như eKYC không cần nhân viên trực tiếp hỗ trợ,…

Bên cạnh đó, TPBank đã đưa ra thị trường khoảng 400 điểm giao dịch ngân hàng sống “LiveBank”, giúp giảm chi phí vật lí (thuê địa điểm giao dịch) và chi phí nhân sự thực hiện các giao dịch như rút/ gửi tiền, chuyển tiền qua quầy,… Từ đó, tiết giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng.

Quang Khải
Bạn đang đọc bài viết "Lợi nhuận gần 3.800 tỷ của TPBank đến từ đâu?" tại chuyên mục Tài chính.