Liên kết vùng, ngành: Yếu tố quan trọng để thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ

PGS.TS Nguyễn Chí Hải

26/08/2021 17:01

Chính phủ đã sớm nhận rõ và có quyết sách chống dịch COVID-19 theo không gian địa lý, theo mối quan hệ liên kết giữa các vùng và liên vùng. Tuy nhiên nhận thức và cách làm của các địa phương lại chưa kịp thời, nhất quán và kiên quyết, thậm chí đôi khi, đôi chỗ, hoạt động phòng chống dịch bệnh lại chia cắt, mang tính cát cứ địa phương.

 
null
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chống dịch nghiêm ngặt nhưng không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa

Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương vào cuối tháng 8 và giữa tháng 9/2021. Đây là một thách thức lớn không chỉ đối với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh mà còn là thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, giúp các doanh nghiệp “bám trụ” sản xuất, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng xuất khẩu.

Để thực hiện “mục tiêu kép” này, cần nhận diện đầy đủ những hạn chế, bất cập mà chúng ta có thể khắc phục được. Theo đó, một trong những khâu yếu cần khắc phục là tính liên kết vùng, liên kết ngành trong hoạt động chống dịch bệnh và duy trì sản xuất.

Nhìn lại diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương khu vực Nam Bộ từ 27/4/2021 cho thấy, tâm dịch xuất hiện đầu tiên ở TPHCM đã nhanh chóng lan sang các địa phương khác trong vùng tam giác TPHCM-Đồng Nai-Bình Dương, rồi lan rộng sang các tỉnh Đông Nam Bộ khác như Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh.

Từ giữa tháng 5/2021, TPHCM và một vài địa phương Đông Nam Bộ đã phải thực hiện giãn cách xã hội và đến ngày 17/7/2021 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách triệt để theo Chỉ thị 16.

Có thể thấy, Chính phủ đã sớm nhận rõ và có quyết sách chống dịch bệnh theo không gian địa lý, theo mối quan hệ liên kết giữa các vùng và liên vùng. Tuy nhiên, nhận thức và cách làm của các địa phương lại chưa kịp thời, nhất quán và kiên quyết, thậm chí đôi khi, đôi chỗ, các hoạt động phòng chống dịch bệnh lại chia cắt, mang tính cát cứ địa phương.

Có thể nêu một vài sự việc: Công văn số 6180 của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 4/6/2021 về việc “cách lý y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày đối với tất cả người từ TPHCM về/đến Đồng Nai” (công văn này đã được điều chỉnh ngay vào sáng hôm sau, 5/6); hiện tượng “làn sóng di dân” từ TPHCM về các địa phương để “tránh dịch”, đợt gần đây nhất là ngày 16/8; phổ biến là tình trạng một số địa phương “ngăn sông cấm chợ” để chống dịch nên gây ách tắc chuỗi cung ứng về lao động, hàng hóa giữa các địa phương, v.v…

Sự đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào-đầu ra khi các địa phương kiểm soát việc đi lại, lưu thông trên địa bàn đã trở thành "sự khốn khó chưa từng có" với các doanh nghiệp. Tình trạng khan hiếm hàng hóa của người dân ở TPHCM, giá cả có xu hướng leo thang, trong khi nông sản, thực phẩm ở các địa phương không bán được… Rõ ràng điều bất bình thường đã diễn ra ở cả hai phía cung - cầu do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, do sự thiếu liên kết giữa các địa phương.

Ở một khía cạnh khác là quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Trước tình cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải “gồng mình” duy trì sản xuất, phải tạm dừng hoạt động kinh doanh hoặc nếu duy trì được thì phải gia tăng chi phí. Sự trông chờ vào chỉ đạo, can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là một thực tế từ các doanh nghiệp với mong mỏi được xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả lãi, giảm lãi đến hạn phải trả, không phạt lãi trả chậm, lãi quá hạn đối với các doanh nghiệp trong thời gian thực hiện giãn cách.

Sự đứt gãy trong sản xuất kinh doanh không dừng lại ở khâu cung ứng, lưu thông và chi phí sản xuất, mà còn là vấn đề nhân lực, lao động. Để chống đỡ trước dịch bệnh, duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc chuyển sang bán hàng online (các doanh nghiệp thương mại). Tuy nhiên, những khó khăn trong việc kiểm soát đi lại hay những khó khăn của người lao động (công việc thiếu ổn định, áp lực thu nhập - chi phí, nguy cơ nhiễm bệnh…) đã không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất kinh doanh, mà còn khó khăn trong việc “giữ chân” người lao động.

Trong dịch bệnh, vaccine là giải pháp cơ bản và cấp bách, tuy nhiên câu chuyện về mua vaccine nước ngoài và sản xuất vaccine trong nước mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo liên tục, song không phải lúc nào sự kết nối thông tin giữa các bộ và các địa phương cũng kịp thời, thống nhất. Câu chuyện doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng cho sản xuất vaccine Nanocovax hay kiến nghị của TPHCM và 4 hiệp hội doanh nghiệp (Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM) liên quan đến hợp tác công-tư trong việc đàm phán cung ứng vaccine phần nào cũng phản ánh điều đó.

Bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cả nước đang đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh, ổn định kinh tế-xã hội để đưa đất nước sớm trở lại “bình thường mới” thì sự đồng tâm, hiệp lực của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp, đoàn thể, người dân… là nhân tố hết sức quan trọng.

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là phải phân cấp, phân quyền triệt để, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, địa phương trong việc thực hiện “mục tiêu kép” mà trước mắt, mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Để thực hiện Thông điệp này cũng như thực hiện mục tiêu Nghị quyết 86 của Chính phủ thì việc đẩy mạnh các mối liên kết ngành, liên kết vùng phải được quan tâm và chủ động hơn.


* Tác giả là Trưởng Khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

PGS.TS Nguyễn Chí Hải