Nhà sản xuất thiết bị điện tử vốn nổi tiếng với công nghệ màn hình cong cho biết đang lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất điện thoại thông minh cao cấp của hãng từ nhà máy Pyeongtaek ở ngoại ô Seoul sang nhà máy ở Hải Phòng, Việt Nam. Mục đích chính là để cho bộ phận sản xuất điện thoại thông minh vốn đang thua lỗ của LG có lợi nhuận.
Nhà máy Pyeongtaek có công suất đạt năm triệu sản phẩm hàng năm. Việc dịch chuyển sẽ làm gia tăng công suất sản xuất của nhà máy tại Hải Phòng lên 11 triệu sản phẩm.
LG Electronics cũng sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Hãng này bán được khoảng 40 triệu điện thoại trong năm 2018, chiếm khoảng 3% thị phần toàn cầu. Nhưng bộ phận sản xuất điện thoại thông minh của LG ghi nhận lỗ vận hành trong gần bốn năm qua, tính tới quý IV.2018.
Theo truyền thông Hàn Quốc, chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp LG cải thiện được phần nào lợi nhuận, vì mức lương tối thiểu của Việt Nam chỉ bằng 1/8 so với Hàn Quốc. Khoảng 750 nhân viên tại nhà máy Pyeongtaek sẽ được chuyển việc sang nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng ở nơi khác tại Hàn Quốc.
Việc tái cấu trúc của LG Electronics một phần do thị trường điện thoại thông minh sụt giảm. Theo công ty nghiên cứu Mỹ International Data, năm 2018, số điện thoại thông minh được xuất xưởng trên toàn cầu giảm năm thứ hai liên tiếp. Thị trường đã đạt đến độ bão hòa vì các cải tiến mới đang chậm lại và các nhà sản xuất khó đưa ra tính năng mới hấp dẫn người dùng.
Hàn Quốc, quê nhà của Samsung Electronics, hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, từng là cứ điểm sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu.
Theo truyền thông Hàn Quốc, các nhà sản xuất của nước này xuất xưởng khoảng 11% lượng điện thoại thông minh trên toàn cầu vào năm 2008. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lúc đó đã đẩy Samsung và LG chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài để tiết giảm chi phí. Kết quả là lượng điện thoại thông minh Hàn Quốc sản xuất chiếm ít hơn 1% trên toàn cầu vào năm 2018, theo các nguồn tin trong ngành.
Bước chuyển của LG cũng nối gót các công ty Hàn Quốc khác mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc năm ngoái, sau Trung Quốc và Mỹ, khi các công ty Hàn chuyển hàng hóa đến cứ điểm sản xuất trung gian này để hoàn thiện sản phẩm.
Nhiều tập đoàn Hàn Quốc như Samsung, LG và CJ đã vận hành các nhà máy sản xuất tại Việt Nam để cắt giảm chi phí và cũng để nhắm vào thị trường đang phát triển của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,1% năm 2018, cao hơn mức tăng 6,8% so với một năm trước đó và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mức tương đương trong năm nay.
"Hầu hết các nước ASEAN đều chịu ảnh hưởng về kinh tế với Nhật Bản, nhưng Việt Nam là ngoại lệ. Nước này có quan hệ chặt chẽ với Hàn Quốc", Lee Tae-joo, chủ tịch Viện Định hình Phát triển của Hàn Quốc nói.
"Bằng việc chuyển sản xuất sang Việt Nam, LG muốn cắt giảm chi phí nhân công để đưa hoạt động kinh doanh này có lãi", Kim Ro-ko, chuyên viên phân tích tại Hana Financial Investment cho biết. "Điều này cũng tương tự Samsung Electronics, khi họ cũng đang sản xuất phần lớn điện thoại tại Việt Nam".