Trong bối cảnh giá các vật tư đầu vào liên tục tăng cao thì giá sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi lại rất bấp bênh, đặt ra nhiều thách thức cho người nông dân trong việc tiếp tục duy trì sản xuất. Mặt khác, xung đột quân sự Nga – Ukraine từ đầu năm 2022 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và đẩy giá vật tư tăng cao dẫn đến nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất trong nước tăng và làm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng.
Theo số liệu báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có tổng số nhà máy sản xuất phân bón trong nước hiện nay 841 cơ sở với tổng công suất sản xuất là 39,25 triệu tấn/năm. Trong đó 576 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ với công suất 25,78 triệu tấn/năm chiếm 87,1%; 265 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học với công suất 3,47 triệu tấn/năm chiếm 13%).
Năng lực sản xuất phân bón hữu cơ quy mô công nghiệp tăng gấp hơn 3 lần (tăng từ 1,07 triệu tấn/năm lên 3,47 triệu tấn/năm), tỷ trọng công suất phân bón hữu cơ tăng từ chiếm 9,5 % lên chiếm 13% và tỷ trọng công suất sản xuất phân bón vô cơ giảm từ chiếm 90,5% xuống còn 87,1%. Về phân bón lưu hành tại Việt Nam đã được công nhận lưu hành là 24.349 sản phẩm.
Cũng theo kết quả điều tra của Cục Bảo vệ Thực vật (năm 2020) có 380 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào nhóm sản phẩm vi sinh nông nghiệp phục vụ lĩnh vực trồng trọt, bao gồm: Phân bón hữu cơ và hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học bảo vệ thực vật. Trong đó, nhóm thuốc bảo vệ thực vật là 200 doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhận định, vấn đề nổi cộm hiện nay là nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp chưa hợp lý, dẫn đến lãng phí, đẩy giá thành sản xuất lên cao và tiếp tục thúc đẩy hậu quả của việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều năm thiếu kiểm soát thêm sâu sắc. Ngân hàng thế giới đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào.
Trong khi chúng ta đang tập trung khuyến cáo và nông dân đang nỗ lực tuân thủ các quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP để tạo ra nông sản xanh, an toàn đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới, thì vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp lại rất bát nháo về chất lượng. Tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng vẫn được bán phổ biến trên thị trường các vùng nông thôn.
Phần lớn các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, nhiều cơ sở kinh doanh nghiệp không có bảng biển, địa điểm bán cố định, do đó, việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn. Trong khi đó, chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp trong thực tế sản xuất, quản lý chưa nhiều. Nhân lực, cơ sở vật chất, trong thiết bị và kinh phí phục vụ công tác quản lý vật tư nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng, vi phạm nhãn mác, việc sử dụng hóa chất, các chất kích thích sinh trưởng vượt mức cho phép vẫn còn diễn ra, rất khó chấm dứt.
“Hậu quả do nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả gây ra là rất lớn, làm cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cây trồng bị thiệt hại, năng suất thấp không có tiền thanh toán mua vật tư nông nghiệp. Trên thị trường vẫn bày bán tràn lan nhiều loại phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm, nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, sự hám lợi của các đại lý, đưa các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng vào từng thôn, bản. Việc làm này không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất chân chính.” – TS. Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra kết quả nghiên cứu về sự ảnh hưởng của Luật Thuế giá trị gia tăng nhóm ngành vật tư nông nghiệp tác động đến thị trường nông sản và đời sống nông dân Việt Nam, đề xuất các giải pháp, hoàn thiện chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, bảo hộ thương mại cũng tạo ra cơ hội cho sản xuất nông nghiệp chuyển mình thích ứng và tạo ra chuyển biến tích cực. Ðể ngành hàng nông sản phát triển bền vững, Nhà nước giữ vai trò đặc biệt trong việc xây dựng khung pháp chế, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp sản xuất hoạt động theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Trong bối cảnh hội nhập, nếu chất lượng không ổn định, sản phẩm không cải tổ, nông sản sẽ chết ngay trên sân nhà. Do đó, cần phải phân tích các tác động của những rào cản phi thuế quan để điều chỉnh chính sách liên quan đến tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao để thích ứng với các rào cản, đáp ứng nhu cầu thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.