Hội nghị thượng đỉnh G20, sự kiện tổ chức thường niên của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm nay, gây chú ý vì cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo đứng đầu Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.
Cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo tại G20 lần này làm dấy lên kỳ vọng hai nước sẽ nối lại mối quan hệ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng kết quả cuộc gặp cũng không mấy lạc quan.
“Khó có thể có một thoả thuận vào tháng 6, kể cả trong dài hạn. Kết quả lớn nhất chỉ là nối lại đàm phán”, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) của VEPR nói tại hội thảo “Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội hay thách thức với doanh nghiệp” diễn ra ngày 25.6.
Ông giải thích thêm, mục tiêu lớn nhất với Mỹ là muốn ngăn chặn Trung Quốc, gây ra cho Trung Quốc những khó khăn. Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc những điều mà chính nước này không thể chấp nhận được, can thiệp sâu vào những vấn đề của nước này. Chiến thuật quan trọng nhất Trung Quốc có thể làm là đình chiến để kéo dài thời gian chuẩn bị cho những thay đổi trong nước và củng cố tính chính danh của ông Tập Cận Bình, không xuất hiện quá hiếu chiến.
Một ý kiến khác cho rằng, các nhà lãnh đạo đều mong muốn kết thúc cuộc chiến tranh nhưng điều này có vẻ hơi lạc quan khi mong đợi cuộc thương lượng diễn ra tại Osaka, South China Morning Post dẫn lời của ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung. Ông Craig nhận định thêm về cuộc gặp G20: “Đây có lẽ không phải là thời điểm thích hợp để đạt một thỏa thuận đầy đủ, thay vào đó là cuộc gặp để bàn về các bước tiếp theo, làm thế nào, khi nào, ở đâu và tại sao phải quay lại bàn đàm phán”.
Đối với Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành nhận định, chiến tranh thương mại sẽ có tiêu cực lớn hơn cho quốc gia có độ mở kinh tế hơn 200% GDP như Việt Nam. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ của các nước khiến cho kinh tế Việt Nam sẽ khó khăn hơn. Trong đó, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ gặp áp lực lên tỉ giá, tác động đến điều hành vĩ mô, chuỗi cung ứng FDI và gây một số sức ép lên Việt Nam về cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường và công nghệ.
Theo Reuters, tổng thống Donald Trump và ông Tập Cận Bình đều đã công bố cho giới truyền thông sẽ có buổi gặp mặt Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Osaka Nhật Bản ngày 28-29.6.2019.
Tháng 3.2018, Mỹ bắt đầu châm ngòi cuộc chiến thông qua việc đánh thuế 25% vào hàng thép nhập khẩu và cấm các công ty trong nước hợp tác với ZTE vòng bảy năm. Trung Quốc cũng ngay lập tức đáp trả bằng việc đánh thuế 25% lên các mặt hàng đậu nành, ô tô, hóa chất của Mỹ. Sau nhiều cuộc đáp trả, đến tháng 12.2018, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung đã có cuộc gặp gỡ tại Buenos Aires, Argentina.
Cuộc gặp không giảm bớt căng thẳng mà còn thêm nhiều diễn biến mới. Gần đây nhất, ngày 10.5.2019, Mỹ tiếp tục áp thuế lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc và đến ngày 1.6.2019, Mỹ tiếp tục tăng thêm một đợt thuế suất 25% với 60 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chuẩn bị một số phương án tăng lên tới 300 tỉ USD. Đỉnh điểm là việc Mỹ yêu cầu các công ty Google hay ARM ngưng hợp tác với Huawei.
Trung Quốc cũng đánh tiếng sẽ phản pháo bằng vũ khí riêng - đất hiếm. Cuối tháng 5.2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm khu sản xuất đất hiếm, loại nguyên liệu quan trọng để sản xuất các thiết bị điện tử, sản phẩm Mỹ nhập khẩu tới 80% từ Trung Quốc.