Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam

Quỳnh Chi

18/02/2025 19:45

Vừa qua tại Hà Nội, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tổ chức Hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”.

Dự án “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” nhằm mục đích hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện nhiệm vụ được nêu thuộc Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 cũng như phù hợp với các mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII và Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư và phát triển các dự án năng lượng, chương trình sẽ nghiên cứu các thông lệ tốt của quốc tế trong việc huy động vốn tư nhân, đánh giá các cấu trúc, công cụ hiện tại của Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị phù hợp. Cùng đó, đưa ra các công cụ, phương pháp nhằm thu hút vốn hiệu quả.

khuyen-khich-khu-vuc-tu-nhan-tham-gia-vao-linh-vuc-nang-luong-cua-viet-nam-pld-1739893556.JPG
Hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mức 2 con số. Do đó, yêu cầu về tăng trưởng năng lượng là bắt buộc để đạt được tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển năng lượng, Việt Nam xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.

Trên thực tế, để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng, tháng 2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết nêu rõ, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết 55-NQ/TW cũng nêu rõ: “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”.

ong-le-tuan-anh-vu-truong-vu-kinh-te-cong-nghiep-dich-vu-pld-1739893556.JPG
Ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực năng lượng có dấu hiệu chững lại thời gian gần đây. Theo đó, các dự án nhiệt điện than chuyển tiếp gặp khó khăn khi ký hợp đồng do không được tài trợ vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Trong khi đó, các dự án chuyển tiếp hiện nay phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thu xếp từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi các tổ chức này có yêu cầu cấp vốn rất chặt chẽ, cần các bảo đảm, bảo lãnh từ phía Chính phủ - cam kết chịu trách nhiệm từ phía Chính phủ.

“Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục có các chính sách đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng” - bà Lê khuyến nghị.

ba-vu-quynh-le-pld-1739893556.JPG
Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại Hội thảo, TS. Gavin Harper - Chuyên gia cao cấp của tổ chức LSE Consunlting đã đưa ra một số bài học thành công tại Anh. Theo đó, Việt Nam cần phát triển một khung pháp lý rõ ràng bằng việc cung cấp sự chắc chắn và minh bạch cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.

Đồng thời, thúc đẩy hợp tác công - tư bằng việc tận dụng chuyên môn và nguồn lực từ cả khu vực công và tư nhân. Hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) như tài trợ cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực chính như công nghệ năng lượng tái tạo và giải pháp lưu trữ năng lượng.

“Việt Nam cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với việc có chính sách đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo để tạo ra nguồn nhân tài cho ngành năng lượng” - TS Gavin Harper chia sẻ.

PGS. TS Nguyễn Thị Nhung - Chuyên gia của Dự án “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” cho rằng, cần giải quyết các vấn đề chính sách và pháp lý để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.

“Xây dựng khuôn khổ giá điện cho các loại dự án năng lượng tái tạo khác nhau để giúp nhà đầu tư chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch triển khai dự án. Phối hợp với Bộ Tài chính để chính thức hóa các chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí cho các khoản đầu tư xanh nói chung và các dự án năng lượng tái tạo nói riêng” - TS. Nhung đề xuất.

TS. Nguyễn Thị Nhung cũng đề xuất ưu tiên vốn trong nước bằng cách thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu xanh. Xây dựng hệ thống giám sát toàn diện để đánh giá hiệu quả của các nguồn tài trợ nói chung, với trọng tâm đặc biệt vào dòng vốn xanh.

Quỳnh Chi