Không dính đến trái phiếu, Him Lam Land thu lãi lớn trong năm 2022

Hồng Vũ

14/05/2023 11:32

Vừa qua, Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã có công văn công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính gửi đến Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo đó, doanh nghiệp địa ốc này thu về gần 2.380 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2022, gấp gần 14 lần năm trước.

Cụ thể, kỳ báo cáo này của Him Lam Land là từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022. Him Lam Land báo lãi sau thuế đạt 2.379,7 tỷ đồng, gấp gần 14 lần so với năm 2021 (đạt 171 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, tính đến hết ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Him Lam Land đạt 2.145 tỷ đồng, giảm 149 tỷ đồng so với kỳ trước đó.

Ngoài ra, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) là 6,9 lần, trong khi năm 2021 là 9,55 lần. Đáng chú ý, năm 2022, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu bằng 0, trong khi năm 2021 cũng chỉ là 0,05. Như vậy, Him Lam Land đã không có hoạt động vay nợ trái phiếu.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2022 lại tăng gấp 14,8 lần, từ 7,47% (2021) lên 110,96% (2022). Điều này càng cho thấy, năm 2022 là một năm hoạt động cực kỳ hiệu quả của Him Lam Land. Công ty đã sử dụng vốn hiệu quả và đem lại nhiều lợi nhuận ròng. Có thể nói, đây là doanh nghiệp hiếm hoi làm được điều này trong bối cảnh thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2022.

Năm 2022, lãnh đạo hàng loạt tập đoàn lớn trong đó có Him Lam đã đồng loạt cam kết đồng hành cùng Chính phủ thực hiện đề án hoàn thành xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Cụ thể, riêng ông Dương Công Minh cũng sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Đây là quỹ đất mà Him Lam đã có.

anh-thuc-te-him-lam-phu-an-quan-9-1684038468.jpeg
Him Lam Land đạt được lợi nhuận khủng trong năm 2022 và không dính tới trái phiếu.

Cũng trong năm 2022, Him Lam đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Hậu Giang, rót 6,2 tỷ USD vào đầu tư loạt lĩnh vực hạ tầng, giao thông, đô thị... Theo đó, Tập đoàn Him Lam cũng đã làm việc với tỉnh tỉnh Hậu Giang về quy hoạch xây dựng huyện Châu Thành và Châu Thành A đến năm 2030, hướng đến xây dựng huyện Châu Thành trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp của tỉnh.

Him Lam đánh giá Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực sẽ được lợi nhiều nhất từ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng này và tỉnh Hậu Giang lại là trung tâm của cơ sở hạ tầng hậu cần được kỳ vọng mang lại thành quả đầu tư lớn nhất.

Him Lam Land được thành lập năm 2008, là nhà phân phối cho các dự án địa ốc của Công ty CP Him Lam (Tập đoàn Him Lam) như: Him Lam Nam Khánh (quận 8), Him Lam Riverside (quận 7), Him Lam Chợ Lớn (quận 6).

Người đại diện theo pháp luật hiện tại của Him Lam Land là ông Nguyễn Ngọc Thủy (sinh năm 1965). Ông Thủy đồng thời là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Him Lam Land từ năm 2008, Phó Tổng Giám đốc đầu tư và Tài chính CTCP Him Lam từ năm 2002. Bên cạnh đó, ông Thủy và bà Trần Thị Lan Anh là 2 cổ đông lớn nắm 10% vốn Him Lam Land (tương đương 17 triệu cp, tính đến 31/12/2018).

Qua tìm hiểu, năm 2022, Him Lam Land cũng tích cực thoái vốn khỏi Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG) sau khoảng thời gian dài nắm giữ. Sau khi chi khoảng 1.200 tỷ đồng để mua gần 68 triệu cp DIG (chiếm tỷ lệ 21.49% vốn) vào đầu tháng 12/2020, Him Lam Land bắt đầu thoái vốn khỏi DIG từ tháng 8/2021, thời điểm cổ phiếu DIG tăng lên vùng giá 34,000 đồng/cp.

Giữa lúc diễn ra đà tăng phi mã của DIG, doanh nghiệp địa ốc này tiếp tục thoái vốn và bán ra lượng khá lớn ở vùng đỉnh. Đến tháng 4/2022, Him Lam Land giảm sở hữu xuống còn hơn 4% và không còn là cổ đông lớn.

Dựa theo các giao dịch đã công bố, Him Lam Land có thể thu về 4.000 – 5.000 tỷ đồng từ việc chốt lời cổ phiếu DIG.

Hồng Vũ