Không còn như ngày xưa

thunguyen

11/06/2020 09:05

Đó là cụm từ mà chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhiều lần nhấn mạnh khi nói về kế hoạch hoạt động 2020.

Tháng 4.2020, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành lệnh giãn cách xã hội, các cửa hàng của PNJ phải đóng cửa trong hai tuần. Kết quả công ty lỗ gần 90 tỉ đồng trong riêng tháng Tư. Không chỉ vậy, chương trình bán hàng được tung ra các mùa cao điểm hàng năm như ngày thần tài (mùng 10 Tết), ngày lễ tình nhân (14.2) và Quốc tế phụ nữ (8.3) đã được lên kế hoạch trước đó, đều bị phá sản vì đại dịch.

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ trao đổi bên lề cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2020 cho biết công ty đã thay đổi kế hoạch khi ban lãnh đạo nhận thấy dịch bệnh (khi đó vẫn chỉ ở Trung Quốc) có thể có diễn biến khó lường. Các chương trình bán hàng trực tuyến, mang quà tặng đến tận tay khách hàng theo các hình thức sáng tạo (nhân viên đóng vai thần tình yêu Cupid, đặt hàng trước, giao hàng đúng ngày vía thần tài,…) đã giúp PNJ đạt kết quả khả quan.

“Đây là hình ảnh chụp lúc 21h tại công ty, khi nhân viên PNJ phải tập trung cho kế hoạch đối phó với dịch bệnh” - ông Lê Trí Thông giới thiệu về hình ảnh một nữ nhân viên công ty đang ngồi làm việc, bên cạnh là ly nước chưa uống, và chiếc bánh mì chưa ăn.

Bốn tháng đầu năm, PNJ vẫn lãi 320 tỉ đồng trên 5.500 tỉ đồng doanh thu, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 lên mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.

Cửa hàng PNJ tại ngày vía thần tài (3.2.2020) - khởi đầu cho chuỗi các chương trình bán hàng trọng điểm trong năm bao gồm: ngày vía thần tài, Valentine, Quốc tế phụ nữ, Noel, Tết Nguyên đán... (Ảnh: PNJ)
Cửa hàng PNJ tại ngày vía thần tài (3.2.2020) - khởi đầu cho chuỗi các chương trình bán hàng trọng điểm trong năm bao gồm: ngày vía thần tài, Valentine, Quốc tế phụ nữ, Noel, Tết Nguyên đán... (Ảnh: PNJ)

PNJ đã liên tục thay đổi sau hơn 30 năm thành lập. Từ một tiệm kim hoàn, đến năm 2012, công ty chuyển hướng sang bán lẻ, tuy vẫn chủ yếu bán sản phẩm của mình. Với hệ thống gần 360 cửa hàng trên khắp các tỉnh, thành phố, PNJ là một trong những nhà bán lẻ lớn nhất hiện nay.

Với đội ngũ thiết kế khoảng 80 người, PNJ đã chủ động về các sản phẩm trang sức cho các dịp lễ hội, kỷ niệm. Việc hợp tác với Disney cùng với các ý tưởng sản phẩm trang sức lấy cảm hứng từ các nhân vật của hãng hoạt hình nổi tiếng, đến nay đang được triển khai tốt, đạt các mục tiêu đề ra, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết.

PNJ đang mở rộng các sản phẩm bán tại cửa hàng, không còn giới hạn ở các sản phẩm trang sức mang thương hiệu PNJ. Đồng hồ, kính mắt, kim cương đang là cuộc thử nghiệm mới của công ty. Trước khi PNJ và các chuỗi bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop gia nhập thị trường, người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu mua các sản phẩm này theo đường xách tay, dễ gặp rủi ro trong chăm sóc khách hàng và bảo hành sản phẩm.

Giới trẻ đang thay đổi buộc PNJ phải tự đổi mới sản phẩm của mình. Những món đồ trang sức cá tính và trẻ trung được PNJ tung ra liên tục trong vài năm trở lại đây. Công ty cũng bắt đầu chú trọng hơn đến việc sản xuất đồ xi mạ bằng cách đầu tư khoảng 15 tỉ đồng cho một nhà máy sản xuất tại tỉnh Long An. Công đoạn xi mạ là công đoạn sản xuất quan trọng cho các mặt hàng trang sức bằng bạc, đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng do tính trẻ trung của sản phẩm. Tuy nhiên, việc xi mạ vướng phải những quy định khắt khe về môi trường tại các nhà máy trong thành phố. Việc đầu tư nhà máy tại tỉnh Long An nhằm khắc phục điểm yếu này. Lãnh đạo PNJ cho biết công ty chưa ưu tiên mở rộng nhà máy Long An, mà chỉ tập trung sản xuất các công đoạn mà nhà máy tại TP.HCM không thể đảm nhiệm.

Bà Dung cho biết hiện tại mỗi năm PNJ đang phải nhập khoảng 1 triệu tấn hàng hoá từ nước ngoài, và phải chịu thuế trên 30%. Công ty đang cố gắng giảm khối lượng nhập khẩu bằng cách tự sản xuất những mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, tiết kiệm chi phí, bằng cách nâng cấp nhà máy hiện tại tại TP.HCM.

Đại dịch đã khiến hành vi tiêu dùng, tiếp cận các thông tin marketing của khách hàng hoàn toàn thay đổi. Ngoài ra, những biến động trên thị trường vàng thế giới, nguyên liệu sản xuất chính của PNJ, đang khiến công ty đối mặt với nhiều rủi ro.

Không đưa ra tỉ lệ vàng miếng tồn kho trên tổng giá trị hàng tồn kho, ông Lê Trí Thông cho biết công ty phải cân nhắc để khối lượng vàng miếng dự trữ tối ưu, đề phòng rủi ro trong các trường hợp giá vàng tăng hay giảm mạnh. “Chỉ 15 đến 30 phút để quy đổi vàng miếng thành tiền mặt, do đó chúng tôi không có con số nhất định về dự trữ vàng miếng của công ty” - ông Lê Trí Thông cho biết.

Đại hội cổ đông thường niên 2020 của PNJ đã kết thúc với việc thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt gần 14.500 tỉ đồng và 842 tỉ đồng, giảm 15% và 30% so với kết quả thực hiện năm 2019. Công ty dự kiến sẽ phát hành hơn 2,55 triệu cổ phiếu ưu đãi dành cho cán bộ công nhân viên (cổ phiếu ESOP) với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 1/3 mức giá hiện tại của cổ phiếu PNJ trên thị trường.

ĐHCĐ thường niên cũng đã bầu ba thành viên mới vào Hội đồng quản trị công ty thay cho ba thành viên vừa từ nhiệm. Ngoài bà Trần Phương Ngọc Thảo - con gái bà Cao Thị Ngọc Dung, hiện đang phụ trách mảng chuyển đổi số tại PNJ, hai thành viên còn lại đều chưa làm việc và không trực tiếp nắm giữ cổ phiếu PNJ. Hai thành viên HĐQT độc lập của PNJ là ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alphanam, và bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet.

Linh Anh

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Không còn như ngày xưa" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.