Ngày 29/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “Cố ý làm lộ bí mật công tác”, xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QD-ANĐT.
Đồng thời Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 21/QĐ-ANĐT, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Hùng, sinh năm 1967; Nơi ở: phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; Nghề nghiệp: Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài Chính, về tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác” theo quy định tại khoản 1, Điều 361 Bộ luật Hình sự.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định, Lệnh nêu trên đã được thi hành.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Việc bắt ông Hùng diễn ra trong bối cảnh hai vụ án liên quan thao túng thị trường chứng khoán đang bị điều tra. Như Nhaquanly.vn đã đưa tin, ngày 20/4, Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Holdings, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land), cùng Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (TVB), Lê Thị Thuỳ Liên (nhân viên Dịch vụ tài chính Công ty Chứng khoán Trí Việt) và Trịnh Thị Thuý Linh (Giám đốc điều hành Công ty Louis Holdings) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Theo nguồn tin điều tra ban đầu, từ 4/1/2021 đến ngày 6/10/2021 Đỗ Đức Nam đã thông đồng với Đỗ Thành Nhân và một số người sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Louis Capital (mã TGG), Công ty Cổ phần Louis Land (mã BII) và các mã chứng khoán khác.
Việc làm này là "trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng".
Như Nhaquanly.vn đã đưa tin, trong khoảng hơn nửa năm qua, Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân liên tục thâu tóm thành công BII, TGG, AGM và trở thành cổ đông lớn của một loạt doanh nghiệp khác. Cổ phiếu các đơn vị này đều tăng vọt sau khi Louis Houldings có động thái rót vốn. Hiện tượng cổ phiếu "họ Louis" tăng bằng lần khi có dấu ấn Chủ tịch Đỗ Thành Nhân đã khiến dư luận đặt nghi vấn có việc ‘làm giá’ cổ phiếu ‘họ Louis’.
Trước đó, ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng liên quan tại 21 địa điểm. Ông Quyết bị xác định đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để thao túng giá chứng khoán và bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC.
Hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC. Đồng thời gián tiếp nắm quyền tại các công ty liên quan đến Tập đoàn FLC. Ước tính ông Trịnh Văn Quyết đang nắm số tài sản 4.789 tỉ đồng. Sự việc ông Quyết bị bắt giam khiến hàng loạt vụ án liên quan đến đại gia Việt bị lật lại.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định, Trịnh Văn Quyết đã vẽ ra một kịch bản khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia thổi giá cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để "lùa gà" nhiều nhà đầu tư rồi "úp sọt" bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính.
Theo đó từ ngày 1/12/2021 đến 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết và bà Bùi Hải Huyền - Tổng giám đốc Tập đoàn FLC- đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và các cá nhân điều hành Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức. Các tài khoản này "thông đồng" với nhau để liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất cao, tạo ra cung cầu giả. Từ đó khiến giá cổ phiếu được đẩy lên cao.
Nhóm thuộc cấp của ông Trịnh Văn Quyết đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường. Tại các phiên tăng giá, nhóm 21 tài khoản chứng khoán do ông Quyết điều hành đã đặt mua 77% tổng khối lượng trong cả nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán 94,% trên tổng khối lượng bán của cả nhóm.
Hành vi tạo cung cầu giả này đã "tạo đòn bẩy" giúp giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu lên giá cao nhất là 24.000 đồng, tăng hơn 64%.
Khi cổ phiếu được đẩy lên giá "trần", chủ tịch Quyết chỉ đạo người thân đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Quyết lại không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng, nhà chức trách cáo buộc.