Ngày 10.5.2019, Công ty cổ phần Lavifood tổ chức Lễ Khởi công xây dựng nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao Haphofood tại Cụm Công nghiệp huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Đây là nhà máy đầu tiên của Lavifood tại khu vực Bắc Bộ với sứ mệnh thúc đẩy liên kết vùng trên nền tảng thế mạnh logistics của Hải Phòng.
Haphofood được xây dựng trên diện tích rộng 15 héc-ta với dây chuyền hiện đại, công nghệ hàng đầu thế giới, sơ chế và chế biến trái cây, rau quả đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước. Nhà máy Haphofood Hải Phòng dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động từ quý I.2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hào hứng cho biết: “Từ nền nông nghiệp thiếu ăn, chúng ta đã chuyển sang một nền kinh tế nông nghiệp không chỉ đảm bảo nhu cầu người dân, xuất khẩu, mà còn hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ.”
Nhà máy chủ trương mua nguyên vật liệu chất lượng cao của nông dân trong khu vực để chế biến các sản phẩm quyen thuộc của Lavifood như nước ép trái cây cô đặc, trái cây đông lạnh, củ quả đông lạnh, xử lý rau tươi,… Các loại nông sản loại 1 sẽ được làm hàng xuất khẩu tươi, chế biến loại 2, 3, 4.
“Chúng tôi không chủ trương làm nguyên liệu. Ai giỏi việc gì làm việc ấy. Nguyên liệu là nông dân làm. Chúng tôi tập trung hết sức để tìm thị trường, đầu tư chế biến và bắt tay với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu. Đó là cách để cùng phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lavifood chia sẻ.
Đầu tư nhà máy với giá trị hơn 2.000 tỉ đồng, Lavifood thể hiện cam kết đồng hành với người nông dân Hải Phòng. Thủ tướng hoan nghênh tinh thần đặt quyền lợi, đời sống của người nông dân lên trước hết của lãnh đạo Lavifood. Thủ tướng hy vọng lãnh đạo Lavifood cũng như lãnh đạo thành phố Hải Phòng giữ vững những cam kết ban đầu.
Haphofood sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Hải Phòng, tạo công ăn việc làm mà còn giảm thiểu, chấm dứt tình trạng đổ bỏ nông sản vì giá rẻ, rủi ro từ thương lái, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và gia tăng thu nhập bền vững cho người nông dân Bắc Bộ nói riêng, nông dân Việt Nam nói chung.
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng cho biết: “Hải Phòng có vị thế đắc địa, thuận lợi cả về đường bộ lẫn đường thủy để xây dựng nhà máy và trở thành trung tâm logistics của Chuỗi giá trị ngành rau củ quả. Tại đây sẽ có hệ thống tổng kho với sức chứa 150.000 tấn. Với nhà máy Haphofood, chúng tôi sẽ dễ dàng hợp tác với nông dân khu vực phía Bắc để phát triển vùng trồng, vận chuyển nguyên liệu đến nhà máy và phân phối sản phẩm, không chỉ bằng đường bộ mà còn cả đường thủy và hàng không”.
Tỷ lệ tự động hoá của Haphofood ước đạt khoảng 80%, riêng phần lựa chọn trái cây, cắt gọt vỏ, tạo hình được công nhân làm trực tiếp.
Đồng bằng sông Hồng với 11 tỉnh/thành phố, có tổng diện tích rau củ quả gần 282 nghìn héc-ta với sản lượng gần 5 triệu tấn. Trong đó Hà Nội, Hải Dương và Thái Bình là ba tỉnh/thành phố có diện tích và sản lượng vượt trội. Điểm thuận lợi cơ bản của đồng bằng sông Hồng là chủ yếu trồng lúa, là loại cây ngắn ngày, dễ chuyển đổi sang rau củ quả. Ngoài ra, khu vực cũng là đầu mối logistics với hệ thống các cảng, ga, sân bay, đường cao tốc, đường sắt… Đồng bằng sông Hồng cũng không chịu ảnh hưởng đáng kể từ biến đổi khí hậu như đồng bằng sông Cửu Long.
Đầu tư vào nông nghiệp khu vực đồng bằng Sông Hồng theo mô hình chuỗi giá trị sẽ hỗ trợ trực tiếp trên 57 nghìn hộ nông dân địa bàn có việc làm và thu nhập ổn định.
Đan Nguyên