Khó khăn chất chồng, một doanh nghiệp thép lớn tại khu vực phía Nam báo lỗ kỷ lục

Pha Lê

18/10/2022 09:23

Do kinh doanh dưới vốn, Công ty Cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL (mã chứng khoán: VCA) lỗ gộp hơn 9,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 11,7 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp -2%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của VCA đạt hơn 1.837 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Công ty thép báo lỗ kỷ lục

Công ty Cổ phần Thép Biên Hòa (VICASA) đổi tên của Công ty thành Công ty Cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL (mã chứng khoán: VCA) vào năm 2016. Lĩnh vực kinh doanh là sản xuất công nghiệp. Đây là doanh nghiệp từng là thương hiệu có uy tín trên thị trường thép phía Nam.

Mới đây, doanh nghiệp này vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022. Theo đó, doanh thu thuần quý 3 đạt hơn 477 tỷ đồng, giảm 17,5%. Trong số đó, doanh thu bán thành phẩm là 476 tỷ đồng, phần còn lại là doanh thu từ bán vật tư, phế liệu và hoạt động khác.

Doanhthu từ hoạt động tàu chisnht rong quý 3 cũng mang lại gần 91 triệu đồng cho VCA. Trong đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay là 9,7 triệu đồng. Lãi chênh lệch tỷ giá đnáh giá lại số dư cuối kỳ là 67.6 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ lãi bán hàng trả chậm.

Do kinh doanh dưới vốn, VCA lỗ gộp hơn 9,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 11,7 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp -2%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của VCA đạt hơn 1.837 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Chi phí tài chính tăng 44%, đạt 3,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 108%, đạt hơn hơn 4,5 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7,9%, đạt hơn 5,1 tỷ đồng. Chốt quý, VCA báo lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 2 tỷ đồng. Đây cũng là mức thua lỗ kỷ lục theo quý của doanh nghiệp thép này kể từ khi lên sàn chứng khoán. Tính hết 9 tháng đầu năm, lỗ của công ty là -12,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 42 tỷ đồng.

Liên quan đến việc lợi nhuận trong quý 3 giảm mạnh, VCA cho hay, ảnh hưởng chiến tranh giữa Nga và Ukraine, chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc và tình hình lạm phát toàn cầu ảnh hưởng đến ngành thép, xây dựng trong nước. Bên cạnh, ngân hàng siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép. So với quý 3/2021, sản lượng tiêu thụ rất ít, giá giảm nhanh, hàng tồn kho giá cao làm cho lợi nhuận gộp giảm. Chi phí tài chính tăng 1,18 tỷ đồng do hàng hóa chậm luân chuyển, lãi suất vay tăng.

Tính đến hết ngày 30/9, tiền mặt tại công ty là 196 triệu đồng, trong khi đầu năm là 268 triệu đồng. Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn cũng giảm từ 20,5 tỷ đồng đầu năm xuống còn 16,88 tỷ đồng, trong số đó, chủ yếu là tiền Việt Nam đồng.

Tổng tài sản của VCA đạt hơn 530 tỷ đồng, giảm 8,3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó hàng tồn kho chiếm 71%, đạt giá trị hơn 377 tỷ đồng. Tổng nợ tăng 4% lên 353 tỷ đồng, LNST lũy kế chưa phân phối chuyển từ dương 53 tỷ đồng hồi đầu năm sang âm hơn 9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, VCA phải trích lập gần 3,3 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trong khi thời điểm cuối năm 2021 không phải có động thái tương tự.

Khó khăn chung của thị trường thép

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 9/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,446 triệu tấn, tăng 23,41% so với tháng 8/2022 và tăng 1,7% so với cùng kỳ 2021.

Bán hàng thép các loại đạt 1,998 triệu tấn, giảm 7,19%so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ.

Sản xuất thép thành phẩm 8 tháng đầu năm 2022 đạt 20,808 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021.Bán hàng thép thành phẩm đạt 19,261 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 4,562 triệu tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết nhu cầu sử dụng thép trong nước thực tế vẫn ở mức thấp, xuất khẩu cũng giảm nhiều do giá cao hơn giá khu vực, nên sản lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng vừa qua giảm mạnh.

Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam

Bức tranh kinh doanh ảm đạm bao trùm tất cả các doanh nghiệp kinh doanh thép tại Việt Nam. Trong báo cáo tài chính quý 3 của Công ty cổ phần Thép Thủ Đức - VNSTEEL (mã chứng khoán TDS) cũng gây chú ý. Theo đó, trong quý vừa qua mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ lên 406 tỷ đồng, song do giá vốn đội lên cao, cộng loạt chi phí tăng mạnh, nên doanh nghiệp bị lỗ ròng hơn 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 640 triệu đồng.

Mới đây, SSI Research hạ ước tính lợi nhuận sau thuế trong quý 3 của doanh nghiệp đầu ngành thép – Tập đoàn Hòa Phát còn khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với mức đỉnh trong quý 3/2021. SSI Research dự báo lợi nhuận của HPG có thể chạm đáy trong quý 3/2022 và phục hồi từ quý 4.

SSI Research cũng đưa ra dự đoán lợi nhuận năm 2022 của Hoa Sen Group là 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với năm 2021 và Tôn Nam Kim (mã NKG) là 1.350 tỷ đồng, giảm 39% so với năm ngoái.

Trong một diễn biến khác, Công ty cổ phần Thép Pomina (mã chứng khoán POM, chiếm gần 4,3% thị phần ngành thép) vừa phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF), đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên.

Nguyên nhân đưa ra là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh. Cùng với đó, hậu quả của dịch bệnh chưa được khắc phục, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp. Trong tình cảnh suy thoái kinh tế đang diễn trên toàn cầu với mức độ trầm trọng, Pomina phải gồng mình chống chọi với khủng hoảng và suy thoái kinh tế nên phải tạm dừng hoạt động.

Pha Lê