Mới đây, thông tin hai khách hàng mất tổng cộng hơn 86 tỷ đồng trong tài khoản MSB khiến dư luận vô cùng xôn xao. Theo đó, bà N.T.L. bắt đầu gửi tiền vào ngân hàng MSB từ ngày 30/3/2021. Đến 26/9/2023, tổng cộng số tiền gửi là 58.650.00.000 đồng. Đến đầu tháng 10/2023, bà L. được cơ quan Công an TP Hà Nội mời lên làm việc và thông báo số tiền trong MSB không còn. Số dư tài khoản của bà L. đến ngày 23/10/2023 chỉ là 93.640 đồng.
Trường hợp thứ hai là bà V.T.K.O, gửi tổng cộng 31.700.000.000 đồng vào ngân hàng MSB. Sau một số lần giao dịch, số dư trong tài khoản của bà O. đến ngày 5/10/2023 còn 27.700.000.000 đồng. Tuy nhiên, ngày 12/10/2023, bà O. đến ngân hàng MSB yêu cầu được sao kê tài khoản từ khi mở tài khoản đến nay thì phát hiện trên tài khoản chỉ còn 46.328 đồng.
Cả bà L. và bà O. đều cho biết, sao kê tài khoản hiển thị rất nhiều các giao dịch chuyển rút tiền không phải do họ yêu cầu/thực hiện.
Đối với vụ việc mất 58 tỷ đồng, MSB cho biết, trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng này đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng (có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB). Theo đó, MSB đã chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ.
“Hiện, vụ việc đã được Công an TP Hà Nội thụ lý, khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra. Chúng tôi đã, đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong phạm vi được yêu cầu. Chúng tôi đã thông tin phản hồi đến nhóm khách hàng có liên quan bằng văn bản”, đại diện MSB cho hay.
Liên quan đến vụ việc, trả lời báo chí, một lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiểm tra vụ khách hàng mất hơn 58 tỷ đồng tại MSB.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 4 được MSB công bố cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này được ghi nhận 606.9 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ là 962.8 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế, MSB chỉ có 483.7 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận ròng của MSB 8.9%.
Trong khi đó, ở thời điểm cùng kỳ, MSB có mức lợi nhuận sau thuế cao hơn nhiều là 772.3 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận ròng ở quý 4/2022 của MSB là 17.1%.
Đến ngày 31/12/2023, tổng nợ phải trả của MSB cũng tăng mạnh ở mức 235.707 tỷ đồng. Còn ở thời điểm cùng kỳ, nợ phải trả của MSB chỉ là 186.121 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiền mặt, vàng bạc, đá quý của MSB cũng giảm mạnh, được ghi nhận khi kết thúc năm 2023 ở mức 939.629 tỷ đồng. Trong khi đó, kết thúc năm 2022, MSB có 1.393 tỷ đồng.
Dưới sự lãnh đạo của ông Trần Anh Tuấn, tổng nợ xấu nội bảng của MSB tính đến cuối năm 2023 là 4.280 tỷ đồng, tăng 106,9% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 1.032 tỷ đồng, tăng 67,42%; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 1.441 tỷ đồng, tăng 3,2 lần; Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 1.807 tỷ đồng, tăng 79%.
Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của MSB cũng tăng từ 1,71% hồi đầu năm lên 2,87% vào thời điểm cuối năm 2023.