Trên chuyến chuyên cơ từ sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson ở Atlanta về Seoul, Tổng thống Moon hôm 23/5 tuyên bố ông đang về nhà với “những món quà đầy ngạc nhiên".
Đổi chip lấy vaccine
Hàn Quốc đang nuôi tham vọng trở thành "trung tâm sản xuất vaccine" tầm cỡ toàn cầu, nhưng không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ thì tham vọng đó không bao giờ trở thành sự thật.
Hàn Quốc là một nơi hiếm hoi ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ có thể sản xuất cùng lúc nhiều loại vaccine ngừa Covid-19, như AstraZeneca, Moderna và Novavax. Những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên mà Việt Nam nhận là được sản xuất tại Seoul.
Nhưng để có được cái gật đầu của Moderna và Novavax, người Hàn đã trả cái giá không nhỏ. Samsung phải chi 17 tỷ USD, LG bỏ 14 tỷ USD, SK góp 7 tỷ USD và Hyundai hùn 1,4 tỷ USD để đầu tư vào ngành sản xuất chip và công nghiệp xe hơi tại Hoa Kỳ. Tổng cộng là 39,4 tỷ.
Tháng trước, các chaebol Hàn Quốc đã cùng nhau cam kết đầu tư đến 450 tỷ USD để đưa ngành công nghệ bán dẫn lên một vị thế cao hơn, giảm bớt sự phụ thuộc thái quá vào Đài Loan và bảo đảo an toàn cho các chuỗi cung ứng của công nghệ sản xuất Hoa Kỳ. Nhưng đó là tương lai quá dài - tính bằng nhiều thập kỷ.
Chuyện trước mắt là nguồn vaccine Covid mà Hàn Quốc và cả thế giới đang cần. Các tập đoàn Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung, có sẵn nguồn lực để trở thành cứ điểm vệ tinh sản xuất vaccine nhượng quyền từ Hoa Kỳ.
Đó là lý do tại sao Moderna sớm ký hợp đồng với Samsung Biologics. Trước đó thì Moderna luôn miệng nói đang thảo luận với nhiều nước châu Á để sớm sản xuất vaccine ngay tại các nước này.
Ngay cả Nhật Bản cũng bị Hoa Kỳ và Moderna cho ăn bánh vẽ.
Hồi tháng 4/2021, Thủ tướng Yoshihide Suga là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được ông Biden đón tiếp tại Nhà Trắng. Nhưng các thỏa thuận kinh tế đã không có gì rõ rệt.
Moderna thì nói Nhật Bản có thể trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu nhưng đã không đá động chuyện hợp đồng. Ngay cả khi Moderna tuyên bố tăng năng lực sản xuất đến 3 tỷ liều trong năm nay thì đối tác Nhật Bản - hãng dược Takeda Pharmaceuticals - vẫn chỉ là hãng phân phối.
Cái chính là Takeda và ngành dược Nhật Bản không đáp ứng được quy mô sản xuất lượng vaccine khủng mà Hoa Kỳ mong đợi.
SuperPlant: Bên trong một nhà máy của Samsung Biologics. Siêu nhà máy mới sẽ được hình thành năm 2022 với vốn đầu tư 2 tỉ đô la - Ảnh: Bloomberg
Tham vọng đứng đầu mảng dược sinh học
Samsung Biologics - hãng con của đại tập đoàn - nhận ra cơ hội chưa từng có trên thị trường các phương pháp điều trị Covid-19 và nhu cầu dược phẩm sinh học đang gia tăng. Hãng đang gấp rút xây thêm nhà máy mới trị giá 2 tỷ USD và một khu phức hợp mới. Thị trường nguyên liệu dược sinh học đang bùng nổ mạnh mẽ và chắc chắn ngày càng phát triển nóng do dịch Covid-19.
Một siêu nhà máy dược phẩm trị giá 2 tỷ USD sẽ hình thành ở khu ngoại ô Songdo ở phía tây Seoul vào năm 2022. Đây sẽ là nhà máy dược sinh học lớn nhất trên thế giới với diện tích 230.000m2 mặt bằng, hơn tổng diện tích của ba nhà máy dược hiện tại của Samsung cộng lại.
Mục tiêu của Samsung là đón bắt nhu cầu gia tăng chưa từng có do dịch Covid-19 gây ra và tận dụng tức thì các cơ hội mà dịch mang đến cho ngành dược toàn cầu.
Samsung Biologics sản xuất các nguyên liệu dược sinh học cho những hãng dược lớn nhất thế giới, bao gồm Bristol-Myers Squibb Co. và Roche Holding Ltd. CEO Kim Tae-han nói với tờ Wall Street Journal rằng ban đầu nhà máy được hoạch định nhỏ hơn rất nhiều so với kế hoạch hiện tại. Ông đã tích cực thúc đẩy việc mở rộng nhà máy trong năm nay sau khi nhận thấy đại dịch đã tạo nên lĩnh vực dược phẩm mới – chữa trị bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, buộc các nhà sản xuất thuốc và chính phủ các nước lao vào công cuộc tìm kiếm các nguồn cung ứng dược mới.
Thành lập năm 2011, Samsung Biologics có lời năm 2015 và lên sàn một năm sau đó. Hiện hãng dược 9 năm tuổi này là một trong những hãng sản xuất thuốc theo đơn đặt hàng có quy mô lớn nhất thế giới và nhà máy ở Songdo là nhà máy dược sinh học lớn nhất thế giới – theo công ty theo dõi thị trường BioPlan Asscociates. Đối thủ của hãng ở châu Âu là Lonza Group AG và Boehringer-Ingelheim GmbH cũng lên kế hoạch để mở rộng sản xuất.
Samsung Biologics cũng lên kế hoạch phát triển lớn trong thập kỷ tới. Hãng đang chuẩn bị kế hoạch xây khu phức hợp thứ hai gần cụm nhà máy đầu ở Songdo. Khu phức hợp mới có thể chứa đến bốn nhà máy.
Samsung bắt đầu tham gia mảng dược phẩm vào năm 2011 và đặt tham vọng trở thành trung tâm dược phẩm sinh học hàng đầu trên thế giới - Ảnh: Pharmaceuticals Technology
Thực dụng kiểu Biden?
Đến đây mới thấy Hoa Kỳ “nói dzậy mà không phải dzậy”.
Tính thực dụng trong chính sách ngoại giao và kinh tế của Hoa Kỳ với thế giới và đồng minh luôn hiện hữu. Điều này thể hiện rõ trong chuyến thăm của hai nguyên thủ Nhật Bản và Hàn Quốc đến Washington. Hai chuyến đi chỉ cách nhau vỏn vẻn có 5 tuần.
Không nói là di sản của ông Donald Trump để lại, thì chắc chắn phải là gene di truyền.
Bề mặt là win-win cho cả Hàn Quốc lẫn Hoa Kỳ. Nhưng ông Biden đã thu hoạch lớn từ chuyến thăm của ông Moon một cách rất yên ắng, không quá ồn ào như người tiền nhiệm Donald Trump.
Hoa Kỳ vừa có công nghệ bán dẫn hiện đại và vốn đầu tư nước ngoài, vừa bán được công nghệ vaccine – nhưng vẫn giữ được vị thế “chiếu trên” trong mối quan hệ hợp tác.