Hội đồng cạnh tranh kết luận Uber và Grab không vi phạm pháp luật Việt Nam

dang.pham

21/06/2019 11:41

Sau hơn một năm điều tra, Hội đồng cạnh tranh Việt Nam đã kết luận thương vụ sáp nhập của Grab và Uber không vi phạm luật cạnh tranh.

Kết luận của Hội đồng cạnh tranh dựa trên kết quả khảo sát hai thị trường chính của Grab và Uber, cho thấy hơn một nửa số người dùng dịch vụ gọi xe của Grab cho rằng nếu giá dịch vụ tăng hơn 10%, họ sẽ sử dụng dịch vụ thay thế. Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách qua tổng đài đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải taxi được phép thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh không hạn chế về địa bàn, trong khi các ứng dụng gọi xe như Grab phải được sự chấp thuận của từng địa phương mới được hoạt động tại từng tỉnh/thành phố.

Kèm với những điều tra liên quan, Hội đồng cạnh tranh Việt Nam kết luận không chấp nhận những cáo buộc do Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương đưa ra. Với kết luận này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phải chịu mức phí xử lý vụ việc là 100 triệu đồng, đóng tại Kho bạc Nhà nước.

Uber là hãng đưa dịch vụ gọi xe trực tuyến đầu tiên vào Việt Nam năm 2014. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Uber dừng hoạt động tại thị trường Đông Nam Á từ 8.4.2018, đổi lại nhận 27,5% cổ phần của Grab. Ngay sau đó, các cơ quan quản lý cạnh tranh Philippines, Malaysia, Singapore đã ra thông báo thương vụ của Grab và Uber có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh và tiến hành điều tra.

Sau khi Uber rút khỏi Đông Nam Á, Grab liên tiếp nhận được các khoản đầu tư và hợp tác từ những công ty trên toàn cầu (Ảnh: Bảo Zoãn)
Sau khi Uber rút khỏi Đông Nam Á, Grab liên tiếp nhận được các khoản đầu tư và hợp tác từ những công ty trên toàn cầu (Ảnh: Bảo Zoãn)

Hồi cuối tháng 9.2018, Cơ quan cạnh tranh và người tiêu dùng Singapore (CCCS) công bố quyết định mức phạt với tổng số tiền lên tới 16 triệu đô la Singapore, tương đương khoảng 9,5 triệu đô la Mỹ đối với thương vụ sáp nhập Uber và Grab, theo thông cáo báo chí phát đi ngày 24.9.2018

Tại Philippines, mặc dù không phải chịu mức phạt nhưng Ủy ban cạnh tranh Philippines (PCC) công bố Grab đã ký cam kết tự nguyện về giá cả và chất lượng dịch vụ sau thương vụ sáp nhập cùng Uber vào ngày 10.08.2018.

Từ khi Uber rút ra khỏi thị trường Đông Nam Á, Grab liên tục nhận về các khoản đầu tư từ những cái tên lớn trên toàn cầu như Microsoft, Toyota, Booking, Hyundai Motor Group, Microsoft Corporation và Yamaha Motor. Grab tuyên bố lấn sân sang nhiều dịch vụ khác như gọi đồ ăn, vận chuyển hàng hoá, ví điện tử,...với tham vọng trở thành siêu ứng dụng.

Thị trường các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam cũng chứng kiến sự gia nhập của hàng loạt ứng dụng mới như be, Vato, GoViet,... giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn, thay vì việc thống lĩnh của Uber và Grab như trước kia. Tuy nhiên, số lượng tài xế và sự tiện lợi của Grab vẫn vượt trội so với các ứng dụng khác do thời gian hoạt động lâu dài cùng với tiềm lực tài chính mạnh mẽ.

Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines hiện là sáu thị trường chính mà Grab tập trung, ngoài ra còn có Myanmar và Campuchia. Công ty này cho biết Grab là “một công ty duy nhất có giấy phép cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến tại sáu quốc gia chính tại khu vực Đông Nam Á”. Grab tuyên bố năm 2019 sẽ là năm công ty lấn sân mạnh mẽ sang dịch vụ tài chính. Mới đây nhất, theo nguồn tin từ hãng thông tấn Reuters, Grab đang trong quá trình xin giấy phép các cơ quan tiền tệ của Singapore để trở thành ngân hàng số sau bảy năm có mặt trên thị trường.

Dâng Phạm

dang.pham