Hệ thống chuỗi cầm đồ F88 của Chủ tịch Phùng Anh Tuấn kinh doanh ra sao trước mùa World Cup 2022?

Cao Chí Cang

01/12/2022 10:29

Sau World Cup 2018, hệ thống chuỗi cầm đồ của ông Phùng Anh Tuấn đã chuyển từ lỗ gần 28 tỷ sang lãi sau thuế hơn 2,6 tỷ đồng. Kể từ đó, công ty liên tục huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu và các nhà đầu tư nước ngoài. Đến đầu năm 2022, trước khi World Cup 2022 diễn ra, ông Tuấn đã tuyên bố về tham vọng sẽ niêm yết F88 trên sàn HOSE với vốn hóa lên đến tỷ USD.

he-thong-chuoi-cam-do-f88-cua-chu-tich-phung-anh-tuan-kinh-doanh-ra-sao-truoc-mua-world-cup-2022-1-1669737395-1669865301.jpg
 

Ông Phùng Anh Tuấn - Từ hacker nổi danh nhất Việt Nam đến Chủ tịch chuỗi cầm đồ F88 tham vọng tỷ đô

Công ty cổ phần Kinh doanh F88 là hệ thống chuỗi cửa hàng cầm đồ đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập vào năm 2013 bởi hacker Phùng Anh Tuấn - Chủ tịch kiêm CEO của công ty, cùng các nhà đồng sáng lập khác. Hiện nay, F88 đã có hơn 800 cửa hàng tính đến cuối tháng 10/2022, và đặt mục tiêu sẽ đạt 1.000 cửa hàng vào đầu năm sau. Vào ngày 11-11 vừa qua, công ty đã gây xôn xao giới kinh doanh với việc huy động thành công 60 triệu USD từ hai “ông lớn” trong ngành tài chính quốc tế. Đặc biệt, theo như vị chủ tịch của chuỗi cầm đồ này, công ty sẽ niêm yết trên sàn HOSE với vốn hóa 1 tỷ USD vào năm 2024.

Ông Phùng Anh Tuấn sinh năm 1984 tại Phú Thọ, từng là một hacker nổi tiếng vào những năm đầu thập niên 2000 với biệt danh Tuấn Pat. Ông bắt đầu trở thành hacker từ khi còn là học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, và có thành tích học tập xuất sắc tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Năm 19 tuổi, ông Tuấn là trưởng nhóm Viet hacker - tổ chức có số lượng thành viên chiếm hơn 50% hacker tại Việt Nam thời điểm đó. Ông từng làm cho giới công nghệ trong nước phải lo sợ, khi dám khẳng định có thể đánh sập tất cả trang web có tên miền “.vn” chỉ trong một ngày. Đến năm 2003, chàng trai Tuấn Pat quyết định “rửa tay gác kiếm”, đưa ra đề xuất giải tán 6 nhóm hacker nổi danh cả nước. Đến năm 2004, ông cùng cộng sự của mình thành lập Trung tâm An toàn Mạng thông tin Việt Nam, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ & Tài năng trẻ (VSEC - thuộc Trung ương Đoàn). Nhờ đó mà ông Phùng Anh Tuấn được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải Quả Cầu Vàng và Gương mặt Tài năng trẻ Trung ương đoàn. 

he-thong-chuoi-cam-do-f88-cua-chu-tich-phung-anh-tuan-kinh-doanh-ra-sao-truoc-mua-world-cup-2022-2-1669737569.jpgChân dung Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của F88 - ông Phùng Anh Tuấn

Kể từ khi thành lập VSEC với 15 thành viên chủ yếu là sinh viên mới ra trường và còn đang học, chàng thanh niên Tuấn Pat đã giúp cho hàng loạt tập đoàn lớn trong ngành không bị tấn công mạng. Ông từng chia sẻ rằng “Phần lớn các hacker “mũ đen” (chỉ các hacker có hành động không thiện chí) khi muốn tấn công vào hệ thống nào, đều báo trước cho VSEC bởi họ đã biết rất rõ về bọn mình”. Do đó, VSEC đã cảnh báo về những cuộc tấn công cho các tập đoàn lớn như: FPT, VDC, Viettel Internet, Bộ Thương mại,...và giúp họ nhận ra lỗi hệ thống để có thể xử lý kịp thời. Ngoài ra, ông Anh Tuấn từng khiến ba mẹ mình có một phen mất vía, khi làm cho phí cước điện thoại trong tháng tăng lên đến 15 triệu đồng. Mục đích của hành động này là nghiên cứu cách tấn công vào hệ thống dial-up, để cảnh báo các nhà mạng viễn thông về việc hacker có thể kiểm soát hệ thống tính cước điện thoại di động. Từ đó các đơn vị nhà mạng đã phải cuống cuồng rà soát lại an ninh mạng của mình, thậm chí Vinaphone còn mong muốn nhờ hacker nâng cao độ bảo mật hệ thống riêng của doanh nghiệp. Nổi bật nhất là sự kiện VSEC đã cảnh báo thành công cho một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, về lỗ hổng nghiêm trọng trên hệ thống ngân hàng trực tuyến của đơn vị đó. Nếu không được cảnh báo để kiểm tra kịp thời, thì hacker có thể truy cập để kiểm soát khoản tiền lớn, thậm chí là quỹ đầu tư lên đến hàng chục triệu USD và gây tổn thất nặng nề cho ngân hàng. Đặc biệt, ông Tuấn và các cộng sự của mình đều làm những việc này hoàn toàn miễn phí. 

Năm 2006 là một bước ngoặt trong sự nghiệp của ông Phùng Anh Tuấn khi quyết định lên kế hoạch tách VSEC thành một công ty riêng. Không chỉ tự thành lập doanh nghiệp, ông còn đảm nhiệm vị trí quản lý Trung tâm An ninh thông tin của tập đoàn HiPT - công ty công nghệ thông tin ra đời từ năm 1994. Sau đó ba năm, ngoài điều hành VSEC thì vị doanh nhân này còn đồng thời quản lý thêm hai đơn vị khác, một là Công ty Thể thao Điện tử Esport và hai là Ban Thương mại Điện tử của Viettel. Thời điểm này, VSEC cũng chính thức được đổi tên thành Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam. Sau đó, ông Tuấn là người đầu tiên trong đội của mình lập gia đình có vợ đẹp con ngoan, sở hữu nhà cửa, xe cộ, sự nghiệp phát triển,...tất cả điều đó đều do chính bản thân gầy dựng. Một người bạn từng hỏi ông còn gì để cố gắng nữa, khi sở hữu mọi thứ gần như hoàn hảo đối với một người trẻ. Đáp lại là lời chia sẻ về hàng loạt suy nghĩ, dự định mới mà chàng trai Tuấn Pat đang ấp ủ. Và sau đó, một trong những ý tưởng của ông đã được thực hiện khi cho ra mắt hệ thống cầm đồ F88 vào năm 2013.

Theo lời kể của ông Phùng Anh Tuấn, dự định tham gia lĩnh vực cầm đồ đã len lỏi trong suy nghĩ từ năm 2008, bắt nguồn từ những lúc kinh doanh khó khăn phải đi cầm đồ để có tiền duy trì hoạt động. Khi đó ông nhận thấy thị trường này vô cùng tiềm năng, và có thể phát triển mạnh mẽ nếu làm theo mô hình chuyên nghiệp kết hợp với thế mạnh là công nghệ thông tin. Nhưng đến 5 năm sau, dự án mới được thực hiện vì có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Và khó khăn đầu tiên theo ông Tuấn là phải vượt qua tâm lý sợ bạn bè chê cười, vì từ một người làm an ninh thông tin mạng lại chuyển sang làm cầm đồ - lĩnh vực vốn bị gắn liền với những hình ảnh như: xã hội đen, cho vay nặng lãi, bắt chẹt khách hàng,...Mặc dù nhận hàng loạt “cái nhìn” tiêu cực về việc mình đang làm, nhưng vị doanh nhân này vẫn giữ quyết tâm thay đổi định kiến xã hội về dịch vụ cầm đồ. Nhờ đó mà ông đã xây dựng được hệ thống chuỗi cầm đồ F88 lên đến hơn 800 cửa hàng như hiện nay, và thu hút hàng chục triệu USD vốn từ các tổ chức đầu tư.

Năm 2016, ông Tuấn tiếp tục thành lập CTCP Tập đoàn Gplay, công ty hoạt động chủ yếu về lĩnh vực công nghệ với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó ông chủ của F88 góp 26,1 tỷ đồng. Sau đó công ty này đổi tên thành CTCP Tập đoàn G (G-Group) và sở hữu hệ sinh thái lên đến hàng chục triệu người dùng, bao gồm: mạng xã hội Gapo, sàn cho vay P2P - Tima, công ty công nghệ G-Innovations, công ty game GTV, thương hiệu camera Hanet, công ty truyền thông mạng xã hội Beat (Beatvn), VSEC,...Trong đó đáng chú ý nhất là Gapo, với sự kiện G-Group cam kết góp vốn 500 tỷ đồng tại buổi lễ ra mắt mạng xã hội này đã làm dậy sóng dư luận vào năm 2019. Tuy nhiên, theo một số thông tin thì ông Phùng Anh Tuấn đã thoái hết vốn của mình tại G-Group vào năm 2018, trước thời điểm doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 60 tỷ đồng. Hiện tại, người đại diện pháp luật của CTCP Tập đoàn G là em trai ruột của ông - tên Phùng Anh Tú. Và ông Tuấn Pat thì đang tập trung vào mục tiêu phát triển F88 thành doanh nghiệp tỷ đô trên sàn chứng khoán.

Hệ thống chuỗi cầm đồ F88 kinh doanh ra sao trước mùa World Cup 2022

he-thong-chuoi-cam-do-f88-cua-chu-tich-phung-anh-tuan-kinh-doanh-ra-sao-truoc-mua-world-cup-2022-4-1669738355.jpgMekong Capital là nhà đầu tư đầu tiên của hệ thống chuỗi cầm đồ F88

Năm 2013, sau khi nghiên cứu các mô hình cửa hàng cầm đồ nước ngoài, ông Phùng Anh Tuấn cùng hai người bạn của mình đã thành lập CTCP Kinh doanh F88 với số vốn ban đầu khoảng 20 tỷ đồng. Khách hàng mục tiêu chủ yếu là những người không có khả năng, hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng và các tổ chức tài chính. Các khoản vay thường nhỏ chỉ khoảng 10-15 triệu đối với một món đồ, và nhất là người đi vay thường không có kế hoạch, cần gấp để chi trả cho một khoản tiền cá nhân. Trong khi đó, ngân hàng và các tổ chức tài chính không thể đáp ứng được nhu cầu của những khoản vay này, đặc biệt là về thời gian. Mặt khác, một trong những người đồng sáng lập F88 đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực cầm đồ hơn 15 năm đang đảm nhiệm công việc kinh doanh của công ty. Do đó ông Tuấn cùng cộng sự của mình có niềm tin rất lớn trong việc xây dựng hệ thống chuỗi cầm đồ đầu tiên tại Việt Nam, mặc dù thị trường khi đó có hơn 30.000 cửa hàng cầm đồ nhưng chưa ai làm theo mô hình chuyên nghiệp như F88. Thời gian đầu, không chỉ gặp khó khăn vì lo sợ chê cười, mà còn về vấn đề khách hàng và cả nhân sự nội bộ. Về phía khách hàng, công ty chỉ thực hiện được vỏn vẹn 10 hợp đồng trong vòng…một tháng. Lý do bởi vì mỗi cửa hàng đều được trang trí khang trang, khác hẳn với tiệm cầm đồ bình thường nên mọi người nghĩ rằng F88 giống như ngân hàng với những thủ tục phức tạp. Một số khác thì lo sợ bị nhìn thấy khi bước vào tiệm cầm đồ, hoặc người chưa từng sử dụng dịch vụ thì nhìn bảng hiệu có chữ cầm đồ đã sợ. Về phía nhân sự nội bộ rất khó tuyển dụng, nếu phỏng vấn 10 người thì có 5 người từ chối, có khi tuyển được một người vừa đến cửa hàng đã bỏ việc luôn. Vì thế, đến cuối năm 2015, F88 chỉ mới có được 11 cửa hàng tại Hà Nội trước khi được quỹ Mekong Capital - tổ chức từng thành công trong việc đầu tư vào chuỗi bán lẻ Thế giới di động, đầu tư lần đầu vào thời điểm đó. 

Đầu năm 2017, chuỗi cầm đồ F88 bắt đầu thu hút sự chú ý của giới truyền thông sau khi Quỹ Mekong Enterprise Fund III (“MEF III”) thông báo hoàn tất thương vụ đầu tư vào công ty. Quỹ MEF III thuộc Mekong Capital không công bố số tiền bỏ ra, nhưng theo thông tin thì thường sẽ đầu tư ở mức 6 - 15 triệu USD. Nhận được số vốn đầu tư lớn, ông Tuấn bắt đầu đề ra chiến lược phát triển nhanh chóng bằng cách tăng tốc độ mở địa điểm mới với mục tiêu 300 cửa hàng vào năm 2021. Theo vị chủ tịch này chia sẻ, tổng chi phí để mở một cửa hàng vào năm 2017 là khoảng 15.000 USD và lúc đó đang có 18 cửa hàng trong toàn hệ thống. Khi được hỏi có gặp khó khăn gì trong vấn đề triển khai chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ như vậy hay không, ông Phùng Anh Tuấn liền nói rằng: “Chúng tôi đang có tiền”. Sang năm 2018, F88 tiếp tục được cấp thêm vốn từ quỹ Granite Oak với mức định giá lên đến 1.000 tỷ đồng. Số vốn được dùng để mở thực hiện kế hoạch “Nam tiến”, mở thêm 50 cửa hàng mới tại TPHCM. Tháng 6/2019, sau hàng loạt thương vụ từ nhà đầu tư nước ngoài, cơ cấu cổ đông của CTCP Đầu tư F88 - công ty mẹ của CTCP Kinh doanh F88 được tiết lộ. Trong đó cổ đông nước ngoài nắm giữ đến 53,4% cổ phần, bao gồm: MEF III sở hữu 39,6%, Bronze Blade Limited có 12,2% và James Alan Barron - cựu CEO của Tập đoàn First Cash có 2.000 phòng giao dịch cầm đồ tại Mỹ, sở hữu 1,6%. Còn lại 46,6% cổ phần trong nước và ông Tuấn có riêng cho mình 20%.

he-thong-chuoi-cam-do-f88-cua-chu-tich-phung-anh-tuan-kinh-doanh-ra-sao-truoc-mua-world-cup-2022-5-1669738475.jpg

Chuỗi cầm đồ F88 được Quỹ Granite Oak đầu tư với mức định giá 1.000 tỷ đồng (Nguồn ảnh: baodautu.vn)

Để tiếp tục có thêm tiền đầu tư mở thêm địa điểm mới, ông Tuấn và ban lãnh đạo công ty quyết định phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2019. Đáng chú ý, lần chào bán đầu tiên đã thu hút được Mai Phương Thúy - nàng hoa hậu nổi bật trong giới đầu tư tài chính, mua 10 tỷ trái phiếu. Kể từ đây, trái phiếu được xem như là kênh huy động vốn được F88 sử dụng nhiều nhất, thu về hàng nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2020 - 2021, công ty thu về lần lượt 300 tỷ và 1.550 tỷ từ trái phiếu. Từ đầu năm 2022 đến nay, F88 tiếp tục có thêm 795 tỷ đồng. Đáng chú ý, đa số các đợt phát hành trái phiếu đều có kỳ hạn 12 - 18 tháng, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, đặc biệt là không có tài sản đảm bảo và khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Trong năm 2022, chuỗi cầm đồ F88 không chỉ huy động được vốn từ trái phiếu mà còn vay nợ thêm từ các tổ chức nước ngoài. Tháng 11/2022 vừa qua, công ty thông báo hoàn tất thương vụ vay 50 triệu USD từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds và khoản vay này có đảm bảo. Đồng thời doanh nghiệp của ông Phùng Anh Tuấn cũng thành công trong việc vay 10 triệu USD từ Lendable - tập đoàn tài chính có trụ sở tại London. Trước đó tập đoàn này cũng đã giải ngân 10 triệu USD cho hệ thống cầm đồ F88 vào đầu năm 2022. Theo đại diện của chuỗi thương hiệu này, số tiền 70 triệu USD qua hai đợt vay sẽ được dùng để phát triển mạng lưới và tăng trưởng quy mô kinh doanh. Mặc dù tốc độ và quy mô huy động vốn của doanh nghiệp ngày càng tăng, nhưng hệ thống F88 chỉ mới bắt đầu ghi nhận lợi nhuận dương từ năm 2018.

Theo kết quả kinh doanh năm 2016 - 2017, hệ thống chuỗi cầm đồ F88 tăng trưởng mạnh về doanh thu nhưng vẫn lỗ. Cụ thể, doanh thu năm 2017 ghi nhận 23,05 tỷ, cao gấp 5,4 lần so với 4,28 tỷ của năm trước đó. Do chi phí quản lý doanh nghiệp quá cao dẫn đến khoản lỗ trước thuế lần lượt là 9,2 tỷ và tăng lên 27,8 tỷ đồng năm 2017. Đến năm 2018 - 2019, rơi vào giai đoạn sau mùa World Cup 2018, doanh thu tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân khi ghi nhận 63,89 tỷ và 215,7 tỷ đồng. Lúc này công ty do ông Tuấn sáng lập đã thoát khỏi cảnh kinh doanh dưới giá vốn, bắt đầu có được những đồng lãi gộp đầu tiên. Nhưng do chi phí quản lý doanh nghiệp và lãi vay vẫn còn quá lớn nên F88 lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn âm. Nhờ vào khoản thu nhập khác mà lợi nhuận sau thuế của cả công ty đã được cải thiện thành số dương, lần lượt là 2,69 tỷ và 19,2 tỷ đồng. Trong thời gian này, tài sản của công ty tăng từ 68,8 tỷ lên 606 tỷ đồng, nhưng phần lớn trong cơ cấu tổng tài sản là khoản phải thu ngắn hạn. Năm 2016 chiếm tỷ lệ khá cao 42,5%, sau đó tăng mạnh lên hơn 80% rồi neo ở mức 72,4% vào năm 2019. Từ đó dẫn đến dòng tiền kinh doanh âm liên tục 4 năm từ 2016 - 2019, tăng theo cấp số nhân lần lượt là: 43,8 tỷ (2016), 91,1 tỷ (2017), 52 tỷ (2018) và thiếu hụt nhiều nhất 265,6 tỷ đồng vào năm 2019. Mặc dù doanh thu trên sổ sách cứ tăng liên tục, nhưng tiền thu về thì ít nên chuỗi cầm đồ F88 phải vay nợ để có thể xoay vốn. Nếu như năm 2017 nợ vay ngắn hạn chỉ vỏn vẹn 2,6 tỷ thì đến năm 2019 đã tăng khủng lên đến 200,9 tỷ đồng, nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 300 cửa hàng vào năm 2021.

he-thong-chuoi-cam-do-f88-cua-chu-tich-phung-anh-tuan-kinh-doanh-ra-sao-truoc-mua-world-cup-2022-6-1669738676.jpgCông ty đạt được 300 phòng giao dịch trước một năm so với mục tiêu ban đầu

Năm 2020 bắt đầu bùng dịch Covid-19, doanh thu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 260% đạt 578 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cao 2,7 lần so với cùng kỳ ở mức 44,8 tỷ đồng. Mặc dù vẫn tiếp tục phát triển nhưng kết quả kinh doanh không đạt được như mong đợi ban đầu, chỉ hoàn thành 68% doanh thu và gần 12% lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch đề ra. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một số kết quả lạc quan như: hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng giao dịch sớm hơn 1 năm so với tầm nhìn đề ra, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ 8,98% năm trước lên 13,08%. Đến năm 2021, kết quả kinh doanh của hệ thống chuỗi cầm đồ F88 chưa được công bố, nhưng theo dự đoán của FiinRatings - đơn vị xếp hạng tín nhiệm hàng đầu Việt Nam, công ty sẽ đạt được ROE là 18%. Ngoài ra ông Tuấn và ban lãnh đạo còn đặt ra chỉ tiêu đạt 1.619 tỷ đồng doanh thu, 815 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây cũng là giai đoạn ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19, nên có thể công ty sẽ không đạt được “nhiệm vụ bất khả thi” này. Bước sang năm 2022, chỉ trong vòng 9 tháng công ty đã ghi nhận 1.310 tỷ đồng doanh thu, trong đó mảng kinh doanh bảo hiểm mang về 217,5 tỷ đồng và 42% hợp đồng bảo hiểm được bán độc lập với các khoản cho vay. Với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ổn định ở mức 78%, giúp cho F88 có được lãi ròng ba quý đầu năm khoảng 60,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ ROE là 10,3%. Vì liên tục phát hành trái phiếu và vay nợ từ tổ chức nước ngoài kể từ đầu năm đến nay, nên tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty ghi nhận ở mức khá cao 4,2 lần. Mặc khác, tổng dư nợ cho vay 9 tháng đầu năm là 3.357,5 tỷ đồng, sẽ còn tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm nay. Nhờ vào kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Phùng Anh Tuấn đặt tham vọng niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE với vốn hóa tỷ USD vào năm 2024.

Liệu rằng sau mùa World Cup 2022 này, kết quả kinh doanh của hệ thống chuỗi cầm đồ F88 có “bứt tốc” giúp công ty đạt được mục tiêu tỷ đô, tương tự như sau mùa World Cup 2018 đã chuyển lỗ thành lãi hay không?

Cao Chí Cang