Hệ sinh thái Apec của đại gia Nguyễn Đỗ Lăng với loạt cổ phiếu tăng ‘phi mã’ trong năm qua mạnh cỡ nào?

Mi Mi

10/05/2022 10:37

Năm 2021 là một năm thành công với ông Nguyễn Đỗ Lăng, vị đại gia đứng sau hệ sinh thái Apec với giá trị tài sản tăng rất nhanh. Hiện nay, ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng nằm trong top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

nguyen-do-lang-1652152332.jpg
Doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng, vị đại gia đứng sau hệ sinh thái Apec Group

Ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APEC, HNX: APS) vừa đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu APS để nâng tỷ lệ sở hữu từ 10,8 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 13,1% vốn) lên 11,8 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 14,2% vốn). Phương thức giao dịch là thỏa thuận và khớp lệnh, được thực hiện từ ngày 11/5 đến ngày 27/5.

Ông Lăng mua vào cổ phiếu của chứng khoán APEC trong bối cảnh cổ phiếu này đã giảm 60,3% kể từ đầu năm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/5, cổ phiếu APS giảm sàn còn 15.600 đồng/đơn vị.

Thông tin thêm về APS, từ một cổ phiếu "trà đá" với mức giá 4.200 đồng vào hồi đầu năm 2021, cổ phiếu này đã tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử 59.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 18/11/2021, tương đương mức tăng 14 lần trong chưa đầy 1 năm.

Cũng chính thời điểm cổ phiếu đang trên đỉnh huy hoàng, ban lãnh đạo công ty từng gây chú ý với màn hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi" trong buổi họp ĐHCĐ diễn ra vào ngày 16/11/2021.

Doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng, sinh năm 1974, trình độ học vấn là thạc sỹ kinh tế Đại học Trento (Ý). Ông từng có thời gian giữ chức Giám đốc điều hành Prometeo Italia vào giai đoạn từ 1998-2000. Sau đó, ông Lăng trở thành Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH tư vấn quốc tế Cát Tường – CIC từ năm 2000-2006.

Từ năm 2006-06/2020, ông Lăng là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Apec Securities, mã: APS); Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (Apec Investment, mã: API).

Từ tháng 06/2020 đến nay, ông là thành viên HĐQT của  APS, API và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã: IDJ).

Phác họa hệ sinh thái của Apec

Apec Group là tập đoàn đa ngành với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Hệ sinh thái này gồm có 3 công ty trụ cột chính: CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API), Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (JDJ).

Năm ngoái, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái này đã có một năm thăng hoa với những mã tăng gần 13 lần.  Nhìn vào kết quả kinh doanh, có thể lý giải được động lực tăng trưởng của nhóm này. Tổng lợi nhuận của 3 công ty trong Tập đoàn đạt gần 1.300 tỷ, APEC chính thức bước vào câu lạc bộ 1.000 tỷ. Năm 2021 được xem là năm thành công nhất trong lịch sử 15 năm phát triển của Tập đoàn APEC khi các công ty trụ cột đồng loạt tăng trưởng ấn tượng.

apec-1-1649828590.PNG

Hệ sinh thái Apec gồm có 3 công ty trụ cột chính: API, APS, JDJ

Về CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API) được thành lập vào năm 2006. Đến năm 2009, công ty thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Upcom với mã API. Năm 2010, công ty chính thức niêm yết trên sàn HNX.

Ngành nghề kinh doanh của công ty bao gồm: đầu tư, phát triển bất động sản condotel, nghỉ dưỡng; đầu tư kinh doanh khách sạn; đầu tư phát triển khu công nghiệp sinh thái và xử lý rác thải.

Đối với lĩnh vực bất động sản, thay vì chọn các thị trường lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang,… API tập trung đầu tư, thâu tóm các quỹ đất tại các tỉnh lẻ giàu tiềm năng như Phú Yên, Ninh Thuận, Huế, Bắc Giang, Bắc Ninh. Những thị trường còn sơ khai về bất động sản nghỉ dưỡng nhưng có tiềm năng phát triển du lịch lớn. Một vài dự án của công ty có thể kể đến như: Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Apec Royal Park Huế,  Apec Aqua Park Bắc Giang.

Đối với lĩnh vực kinh doanh khách sạn, API xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái của mình với việc phát triển thương hiệu khách sạn Mandala Hotel & Spa và hệ thống quản lý khách sạn Swiss Hopitality với các dự án như: Apec Mandala Bắc Ninh, Apec Golden Palace Lạng Sơn, Apec Dubai Tower Ninh Thuận…

248403615-1649834106.jpg

Khách sạn Mandala Bắc Ninh

Đối với lĩnh vực xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, Apec đang triển khai xây dựng hoàn thiện và vận hành khu công nghiệp Đa Hội với diện tích 34,5 ha. Dự án nằm trong làng nghề Đa Hội, Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh - là sự kết hợp giữa mô hình khu công nghiệp và đô thị xanh.

Hiện API gồm có 7 công ty con: CTCP APEC Land Huế, Công ty TNHH Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương - Bắc Ninh, CTCP Đầu tư Apec Hà Nam, CTCP Lagoon Lăng Cô, CTCP Đầu tư Apec Túc Duyên, CTCP Đầu tư Quốc Tế Dubai và CTCP Apec Quảng Trị.

Về kết quả kinh doanh, năm 2021 doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của API ghi nhận lần lượt là 1.168 tỷ đồng và 201 tỷ đồng, tăng 138 % và 292 % so với năm 2020. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Đây cũng là hoạt động kinh doanh chính và cốt lõi của API, chiếm 98,5% doanh thu thuần năm 2021.

Theo API, nguyên nhân tăng doanh thu chủ yếu là từ doanh thu bán sản phẩm dự án Apec Mandala Phú Yên và thực hiện bàn giao ghi nhận doanh thu từ dự án Apec Royal Park Huế và Apec Aqua Park Bắc Giang. Đặc biệt, vào tháng 11/2021 giá cổ phiếu của công ty lập đỉnh lịch sử với mức 110.000 đồng/cổ phiếu.

Về Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS) được thành lập vào năm 2006 với số vốn điều lệ là 60 tỷ đồng. Định hướng phát triển chiến lược của APS là trở thành công ty chứng khoán số hàng đầu tại Việt Nam trong 5 năm tới với tổng số tài khoản giao dịch chiếm 20% toàn thị trường.

Ngành nghề kinh doanh và hoạt động chính của APS là: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán.

Kết thúc năm 2021, APS đạt doanh thu 747 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 562 tỷ đồng. Đáng chú ý cổ phiếu APS đạt đỉnh tại ngày 19/11/2021 ở mức 63.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, công ty đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên 830 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán.

Về CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (JDJ) được thành lập vào năm 2007 với số vốn điều lệ là 149,6 tỷ đồng dựa trên nền tảng hoạt động của IDJ Connection - công ty hàng đầu trong lĩnh vực kết nối đầu tư và M&A tại Việt Nam. Năm 2010, IDJ niêm yết trên sàn giao dịch HNX với mã IDJ.

Năm 2021, IDJ ghi nhận doanh thu đạt 893,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 254 tỷ đồng. Phần lớn tỷ trọng doanh thu đến từ hoạt động bán hàng dự án Apec Mandala Wyndham Hải Dương và Apec Diamond Park Lạng Sơn, phần còn lại đến từ mảng cho thuê TTTM, văn phòng, thi công xây dựng…

apec-2-1649828555.PNG

Vào tháng 11/2021, Tập đoàn Apec đã tổ chức buổi tọa đàm “Đại cách mạng nhà ở xã hội giải quyết 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người Việt Nam”. Tại buổi tọa đàm ông Nguyễn Đỗ Lăng đã chia sẻ rằng một trong những nhu cầu của con người là nhà ở. Tuy nhiên, hiện nay khả năng sở hữu một ngôi nhà cho người có thu nhập thấp là một điều hết sức khó khăn.

Theo đó, đơn vị này đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ hoàn thành khoảng 10 triệu căn hộ tiêu chuẩn 5 sao cho người lao động có thu nhập thấp trên cả nước.

Để thực hiện kế hoạch này, tập đoàn Apec đã thành lập Tổng Công ty đầu tư và Phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam (A Happy City – AHC) với vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch huy động thêm vốn từ các tổ chức ngân hàng, định chế tài chính trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư quốc tế… và sẽ tăng vốn lên để phù hợp với mỗi thời kỳ đầu tư.

Apec cũng cho biết các sản phẩm của dự án này sẽ đáp ứng 5 tiêu chí: chất lượng, thẩm mỹ, tiện ích, sinh thái, thông minh. Tập đoàn Apec sẽ tập trung vào các sản phẩm căn hộ có diện tích từ 25 - 70 m2/căn với mức giá tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dao động từ 13 - 18 triệu/m2, tỉnh thành khác từ 9 - 14 triệu/m2

Lên tiếng về tin đồn liên quan đến Chứng khoán Trí Việt và nhóm Louis

Từng "náo loạn" thị trường với mức tăng bằng lần, nhóm cổ phiếu họ Apec gồm API của Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương; IDJ của Đầu tư IDJ Việt Nam và APS của Chứng khoán APEC đồng loạt giảm mạnh mất gần nửa giá trị từ khi lãnh đạo quàng khăn tím hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi".

Cổ phiếu họ Apec bay hơi gần nửa giá trị từ khi lãnh đạo quàng khăn tím hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi"

Cổ phiếu họ Apec bay hơi gần nửa giá trị từ khi lãnh đạo quàng khăn tím hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi"

 

Đơn cử như APS, từ một cổ phiếu "trà đá" với mức giá 4.200 đồng vào hồi đầu năm 2021 đã tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử 59.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 18/11/2021, tương đương mức tăng 14 lần trong chưa đầy 1 năm. Cũng chính thời điểm cổ phiếu đang trên đỉnh huy hoàng, ban lãnh đạo công ty từng gây chú ý với màn hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi" trong buổi họp ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 16/11/2021.

Tuy nhiên, cổ phiếu APS đã trượt dốc không phanh ngay sau khi màn hô hào kết thúc. Tính đến thời điểm ngày 18/4, mã này chỉ còn 26.500 đồng/cp, giảm 56% so với mức đỉnh cũ. Như vậy, những cổ đông tin vào những lời hô hào có cánh của các lãnh đạo APS mua cổ phiếu ở vùng giá đỉnh thì cũng phải chịu khoản thua lỗ khá lớn.

Ngày 22/4 vừa qua, Tập đoàn Apec đã có văn bản gửi đến cổ đông và nhà đầu tư, khẳng định APEC không có bất kỳ giao dịch gì với CTCP Chứng khoán Trí Việt và ông Đỗ Đức Nam- cựu Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Văn bản có đoạn viết:

"Trong tuần qua, một số cá nhân đã lợi dụng đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng nhắm vào lãnh đạo Tập đoàn APEC, tung tin đồn cho rằng Tập đoàn APEC có mối liên quan với CTCP Chứng khoán Trí Việt và nhóm doanh nghiệp Louis. Việc này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của Tập đoàn APEC cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu các công ty IDJ, APS, API.

Tập đoàn APEC đang tiến hành thu thập bằng chứng về các cá nhân tin đồn thất thiệt để làm việc với cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và chúng tôi. 

Qua văn bản này, chúng tôi xin thông báo tới Quý khách hàng, Quý cổ đông, Quý nhà đầu tư, các đối tác và các cơ quan báo chí: 

1. APEC không có bất kỳ giao dịch gì với CTCP Chứng khoán Trí Việt và Ông Đỗ Đức Nam – CEO CTCP Chứng khoán Trí Việt.

2. APEC không có bất kỳ giao dịch với các công ty của nhóm doanh nghiệp Louis và Ông Đỗ Thành Nhân...".

Về hoạt động kinh doanh hiện tại, văn bản của Apec cho biết mọi hoạt động của Tập đoàn Apec và các công ty thành viên vẫn diễn ra bình thường, ổn định. Tập thể CBCNV Apec vẫn đang tích cực tập trung xử lý các công việc chuyên môn để triển khai các nhiệm vụ mà ĐHĐCĐ, đã giao phó. Hoạt động kinh doanh của tập đoàn vẫn đang được đẩy mạnh, các dự án đang tích cực thi công, hoàn thiện và bàn giao. 

Lãnh đạo Apec cũng cho biết kết thúc quý 1/2022: API, IDJ, APS đều có kết quả kinh doanh tích cực. Trong đó, APS ghi nhận doanh thu 102,8 tỷ đồng, LNST đạt 46,3 tỷ đồng, tăng 36,07% so với cùng kỳ năm ngoái. API tiếp đà tăng trưởng với doanh thu 294 tỷ đồng và LNST tăng gấp 2,84 lần cùng kỳ, đạt 48 tỷ đồng. IDJ ghi nhận doanh thu 63,2 tỷ đồng, LNTT đạt 18,8 tỷ đồng, dòng tiền người mua trả trước của IDJ đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 474% so với cùng kỳ năm 2021.

Được biết vào tháng 12 năm ngoái, Apec Group đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 600 triệu đồng vì chào bán nhiều trái phiếu ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN. 

Cụ thể Apec Group chào bán trái phiếu Happybond.H.20.25.001 với trị giá 8,1 tỷ đồng trong năm 2020 và các trái phiếu Happybond có ký hiệu mã số trái phiếu là H.21.23.001-01, H.21.24.002-01, H.21.24.003-01, H.21.24.003-02, H.21.24.004-01, H.21.24.004-02; trái phiếu  ABOND với ký hiệu mã số trái phiếu là AG.H.21.24.001-01; AG.H.21.24.001-02, AG.H.21.24.002-01, AG.H.21.24.002-02, AG.H.21.23.003-01, AG.H.21.23.003-02, AG.H.21.23.004-01, AG.H.21.23.004-02, AG.H.21.24.003-01 và AG.H.21.24.003-02 với tổng giá trị 499,707 tỷ đồng trong giai đoạn từ 18/01/2021 đến 06/8/2021 ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2006, khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019.

Đồng thời Apec Group bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

Đây là công ty thứ 2 bị UBCKNN xử phạt do phát hành trái phiếu ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký. Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup cũng bị xử phạt hành vi tương tự và bị buộc phải thu hồi số trái phiếu đã phát hành, hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Mi Mi