Thiếu chính trực trong văn hoá kinh doanh
Chính trực là yếu tố sống còn trong văn hóa kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp, nó quyết định cho sự thành bại cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế đầu tư và kinh doanh bất động sản là ngành nghề kinh doanh đặc thù nên yếu tố chính trực của đa phần doanh nghiệp chủ đầu tư có phần “lệch chuẩn” đôi chút so với những ngành nghề khác. Không nhiều dự án bất động sản được đầu tư và xây dựng đúng tiến độ như cam kết và cũng không nhiều dự án bàn giao sổ đỏ/sổ hồng như những gì đã “hứa hẹn” với khách hàng vì nhiều lý do khách nhau: tiến độ pháp lý chậm chạp, tài chính yếu kém, bất cập trong giải phóng mặt bằng…
Không phải hầu hết, nhưng đa phần doanh nghiệp chủ đầu tư bất động sản hô hào cùng một khẩu hiệu: “chính trực, tận tâm, chuyên nghiệp…” và kết quả là những gì họ đã và đang làm thì ngược lại với khẩu hiệu mà họ thường xuyên hô hào hay rao giảng trên hầu hết các phương tiện truyền thông. Bản thân các ông/bà chủ doanh nghiệp này đã không chính trực trong kinh doanh, không chính trực với khách hàng, đối tác và với nhân viên thì khó lòng mà tạo ra văn hóa kinh doanh bền vững được.
Văn hóa kinh doanh vốn dĩ là nền tảng cốt lõi trong văn hóa tổ chức kinh doanh, một khi văn hóa kinh doanh đã không còn yếu tố chính trực và khách hàng không được xem là trung tâm trong chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững thì doanh nghiệp đó không cần thiết phải xây dựng hay chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức kinh doanh, mọi nguồn lực phải tập trung bán hàng bằng mọi giá, mọi cách và thu tiền về nhanh nhất, nhiều nhất có thể… Đó là mục tiêu chung của phần lớn các doanh nghiệp đầu tư bất động sản đã và đang triển khai trên thị trường hiện nay. Tính cam kết và bền vững của những doanh nghiệp không được chú trọng vì vậy đã tạo ra một lực lượng lớn lao động bát nháo, vô tổ chức…
Trên thực tế, đã có không ít những tập đoàn đầu tư bất động sản tại Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản tại TP.HCM nói riêng khi nhắc đến cái tên thôi thì cả thị trường lao động đã không khỏi ngán ngẫm, cười nhếch mép rẻ khinh. Mặc dầu, mức lương và phúc lợi của những tập đoàn này cao ngất ngưỡng so với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề.
Thiếu doanh nhân, thừa… trọc phú
Đối với ngành kinh doanh bất động sản, cụm từ “tự nhiên giàu” đã không còn quá xa lạ. Còn nhớ, chính sách của Chính phủ trước đây khuyến khích người dân “di dân” xây dựng vùng kinh tế mới. Những vùng đất xa xôi, hoang hóa nay đã được khai khẩn và mở rộng trở thành những thị trấn, thị xã đông đúc, sôi động và tấp nập dân cư. Những mảnh đất, miếng vườn mà cha, ông chúng ta khai khẩn từ thời điểm ấy bỗng chốc quy hoạch thành những vị trí phát triển kinh tế chiến lược địa phương nên nhiều người… bỗng chốc giàu có xuất phát từ đó. Mặt khác, những năm tháng ấy giá cả đất đai trên thị trường đều rất rẻ nay bỗng chốc trở nên đắt đỏ, nhiều người có đất đã toan tính thành lập dự án, thành lập doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Từ ngày có chủ trương của Đảng và Nhà nước khuyến khích nền kinh tế tư nhân, hoạt động thành lập doanh nghiệp đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Những doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh bất động sản được thành lập nhiều vô kể. Khái niệm “doanh nhân bất động sản” được hình thành kể từ đó. Nhưng hầu hết những tập đoàn/doanh nghiệp địa ốc tư nhân tại Việt Nam đều có chung phong cách điều hành là “độc trị” hoặc “gia đình trị” vì vậy hoạt động xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do lối mòn của tư duy quản trị đó.
Một trong những nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp không xây dựng được hệ thống quản trị hoặc có xây dựng hệ thống quản trị nhưng không thành công đó là:
Thứ nhất, sự “cả nễ” người thân trong bộ máy điều hành là một trong những nguyên nhân làm “đứt gãy” hệ thống quản trị doanh nghiệp.
Thứ hai, tư duy “tham bát, bỏ mâm” chạy theo nguồn “lợi nhuận khủng” mà bỏ quên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là “phụng sự xã hội” lấy lợi ích khách hàng và cộng đồng xã hội làm trung tâm. Với họ, lợi ích cá nhân phải được đặt trên lợi ích tập thể, cộng đồng.
Thứ ba, yếu tố chính trực của chủ doanh nghiệp vốn dĩ đã “lệch chuẩn” nên không nhất thiết phải xây dựng hệ thống quản trị bài bản.
Thứ tư, tư duy “ful-mind” (cố chấp) ngấm sâu đối với những người đã thành công và trở nên giàu có trước đó. Họ nghĩ rằng mình đã đầy đủ hiểu biết hết và kinh nghiệm dày dặn, lâu năm với… cách làm cũ, chiến lược cũ vẫn có thể thành công vang dội trong thời đại mới (!?) và dĩ nhiên, chẳng ai có thể làm cho họ “lay chuyển” được tư duy và lối suy nghĩ đó.
Nếu có ai đó nghĩ rằng, mình đã có những “mối quan hệ” lớn mạnh nên hoạt động kiếm tiền vẫn rất dễ dàng với “cách làm cũ” và với tư duy cũ, không nhất thiết phải xây dựng hệ thống quản trị bài bản rườm rà và tốn kém thì hãy suy nghĩ lại. Giàu có, thành đạt và dễ dàng kiếm được nhiều tiền nhờ vào bất động sản như: Đỗ Anh Dũng, Phan Văn Anh Vũ, Trịnh Văn Quyết… đều có một hệ quả chung mà ai ai cũng biết. Hãy dừng lại một giây, chậm lại một nhịp để soi xét lại chính mình vẫn rất cần thiết dành cho “doanh nhân bất động sản”…