Hậu Giang mở cửa đón đầu tư logistics
18/12/2018 08:07
Hậu Giang dự kiến quy hoạch một khu đất với diện tích 300-500 ha trên đường quốc lộ 61C, song song với kênh xáng Xà No, để làm trung tâm dịch vụ logistics.
Bên lề sự kiện "Diễn đàn kinh tế xanh 2018: Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics", ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã dành cho Tạp chí Nhà Quản Lý buổi phỏng vấn độc quyền về "Phát triển logistics phục vụ nông nghiệp: Lựa chọn chiến lược cho Hậu Giang".
Tạp chí Nhà Quản Lý: Hậu Giang là tỉnh sở hữu vị trí chiến lược, nối liền mạch giao thông với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về cả đường thuỷ lẫn đường bộ. Xin ông cho biết, đâu sẽ là tập trung của Hậu Giang để phát triển logistics?
Ông Trương Cảnh Tuyên: Về vị trí địa lý, Hậu Giang là một trong những vùng trung tâm của vùng Nam Sông Hậu, có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Về đường bộ, trên địa bàn của tỉnh, có 5 tuyến quốc lộ đi ngang và 2 tuyến sông chính là sông Hậu và kênh xáng Xà No.
Xuất phát từ vị trí địa lý trên, chúng tôi có lựa chọn ưu tiên tập trung đầu tư cho logistics. Thứ nhất, trên quốc lộ Nam Sông Hậu, nằm kế song song bên sông Hậu, đây là điểm hết sức quan trọng đối với dịch vụ logistics. Thứ hai, chúng tôi tập trung ưu tiên cho tuyến đường quốc lộ 61C, song song với kênh xáng Xà No. Chúng tôi sẽ ưu tiên quy hoạch để thực hiện dịch vụ logistics cho 2 tuyến quốc lộ chính và 2 tuyến sông chính trên địa bản tỉnh.
Tạp chí Nhà Quản Lý: Xin ông cho biết, Hậu Giang có những chính sách gì để phát triển logistics tại địa phương?
Ông Trương Cảnh Tuyên: Nhà đầu tư vào dịch vụ logistics và hệ thống giao thông vào Hậu Giang sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt. Trên địa bản tỉnh, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai thực hiện dự án. Riêng đối với đầu tư tại thành phố Vị Thanh, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhà đầu tư sẽ được giảm 11 năm tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất sẽ được xem xét giảm đến 50%.
Tạp chí Nhà Quản Lý: Năm 2015, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và CTCP Gemadept đã quyết định đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Logistics tại Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Quy mô của dự án lên tới gần 670 tỷ đồng. Ông có thể chia sẻ thêm về dự án này và trong thời gian tới, đâu sẽ là những dự án logistics "tham vọng" của Hậu Giang?
Ông Trương Cảnh Tuyên: Khi Minh Phú đến đầu tư vào Hậu Giang là đầu tư dự án thuỷ sản Minh Phú, với diện tích trên 80 ha. Trong quá trình triển khai thực hiện, sau khi nhà máy chế biến thuỷ sản Minh Phú đi vào hoạt động, đối với phần diện tích đất còn lại, Minh Phú cũng hợp tác với các doanh nghiệp khác để đầu tư logistics với quy mô lên tới gần 670 tỷ đồng trong thời gian vừa qua. Đối với dự án này, chúng tôi cũng thực hiện chính sách ưu đãi như các nhà đầu tư khác trong khu công nghiệp sông Hậu.
Vì đây là dự án nằm trong khu công nghiệp, nên về hạ tầng giao thông, chúng tôi đã đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Chúng tôi cũng sẽ có dịch vụ đào tạo nguồn lao động để cung cấp cho dự án này. Đặc biệt, chúng tôi đã thực hiện tối đa các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, thuế trong quá trình hoạt động của dự án.
Vừa qua, tỉnh cũng đón nhận dự án logistics của Vinalines trong khu công nghiệp sông Hậu. Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện quy hoạch sử dụng đất, để kêu gọi đầu tư một khu dịch vụ logistics trên quốc lộ Nam Sông Hậu. Đây là 2 dự án mà chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư dịch vụ logistics trong thời gian sắp tới.
Tạp chí Nhà Quản Lý: LPI (Logistics Performance Index) là chỉ số đo lường hiệu quả logistics của 160 quốc gia do Ngân hàng Thế giới công bố. Theo đó, 6 nhóm tiêu chí để đánh giá tính hiệu quả của dịch vụ logistics bao gồm: (1) Hải quan (Customs), (2) Cơ sở hạ tầng (Infrastructure), (3) vận chuyển quốc tế (International shipments), (4) Năng lực và chất lượng logistics (Logistics quality and competence), (5) Khả năng theo dõi và truy xuất (Tracking and tracing) và (6) Tính kịp thời (Timeliness).
Đối với Hậu Giang, đâu sẽ lựa chọn mũi nhọn phát triển trong số 6 tiêu chí nêu trên?
Ông Trương Cảnh Tuyên: Chính quyền địa phương chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng một số tiêu chí. Thứ nhất, về hải quan, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, chúng tôi đã xin được Bộ Tài chính cho thành lập Chi cục hải quan Hậu Giang. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ ưu tiên phát triển cơ sở hạ, kết nối vào khu dịch vụ logistics, bao gồm hệ thống giao thông đường thuỷ và đường bộ. Ngoài ra, các tiêu chí khác, chúng tôi cũng sẽ khuyến khích nhà cung cấp và doanh nghiệp thực hiện như truy suất nguồn gốc, cải thiện chất lượng,…
Tạp chí Nhà Quản Lý: Là một tỉnh "trẻ", với 15 năm thành lập, Hậu Giang đã chuẩn bị gì về mặt quy hoạch quỹ đất phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics để đón đầu sự tăng trưởng của thương mại trong tương lai?
Ông Trương Cảnh Tuyên: Sau 15 năm Hậu Giang được chia tách, chúng tôi đã tập trung quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu công nghiệp sông Hậu. Trong khu công nghiệp này, có một phần diện tích khoảng trên 80 ha cho Vinalines đầu tư logistics. Đó là phần diện tích đất chúng tôi đã chuẩn bị và doanh nghiệp đã và đang đầu tư.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ quy hoạch một khu đất với diện tích 300-500 ha trên đường quốc lộ 61C, song song với kênh xáng Xà No - hai tuyến giao thông huyết mạch thuỷ và bộ của tỉnh Hậu Giang, để làm trung tâm dịch vụ logistics. Chúng tôi sẽ đề xuất vấn đề quy hoạch này với Chính phủ để phê duyệt quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2030.
Bạn đang đọc bài viết "Hậu Giang mở cửa đón đầu tư logistics" tại chuyên mục Khoa học quản lý.