Hàng loạt “cảnh báo” về một tương lai khó khăn của Thế giới từ các nhà lãnh đạo Huawei, Tencent, Xiaomi, Meituan

Cao Chí Cang

29/08/2022 10:43

Hiện nay, thế giới phải chịu hàng loạt khó khăn “dồn dập”, dẫn đến những nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc phải yêu cầu tập đoàn của mình chỉ cần tồn tại là được, những thứ khác không quan trọng. Liệu rằng với những tiên đoán đó, nền kinh tế của Việt Nam có thật sự gặp khó khăn như Trung Quốc, hay sẽ “bứt tốc” qua mặt các nước khác?

Những ngày tháng vừa qua, nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực sau hàng loạt sự kiện có một không hai. Dịch bệnh Covid khiến tất cả quốc gia phải “lao đao” về tất cả mọi mặt, cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraina đe dọa nền hòa bình toàn cầu, đặc biệt là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, các chiến dịch quân sự, chiến tranh thương mại liên tiếp diễn ra. Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng rất lớn từ các sự kiện trên. Việc này khiến cho các nhà lãnh đạo tập đoàn lớn tại quốc gia tỷ dân, liên tục đưa ra các dự báo bi quan về tương lai sắp tới của nền kinh tế.

Nhà sáng lập Huawei cảnh báo nhân viên về một tương lai “ảm đạm”

Mới đây, dư luận Trung Quốc có một phen “dậy sóng”, khi mà bức thư của ông Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập tập đoàn Huawei, gửi cho nhân viên của mình, bị lan truyền trên mạng xã hội. Mục đích của lá thư, là để cảnh báo nội bộ tập đoàn về một giai đoạn nguy hiểm hơn cả “mùa đông Huawei” vào năm 2000. Ông Nhậm cho rằng, bây giờ công ty chỉ cần tồn tại là được, những thứ khác không còn quan trọng. Có 4 nội dung khiến cho mọi người phải bàn tán xôn xao trong bức thông điệp, cụ thể:

Thứ nhất, kinh tế toàn cầu trong 3-5 năm tới sẽ không thể phát triển, 10 năm tới sẽ rất đau thương vì liên tục suy giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh và những vấn đề khác. Huawei sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khả năng tiêu thụ của thị trường yếu đi, vấn đề xảy ra không chỉ ở phía cầu mà còn cả nguồn cung, đặc biệt trong giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu duy nhất của Huawei chính là sự sống còn.

Thứ hai, Huawei phải thu hẹp hoặc bỏ luôn các mảng kinh doanh không tạo ra giá trị và lợi nhuận, cần phải cân đối ngân sách và xem lại cấu trúc thị trường.

Thứ ba, xem xét lại hiệu suất làm việc của nhân viên, khuyến khích họ cạnh tranh để tạo ra doanh thu cho công ty. Dòng tiền eo hẹp nên cần kiểm soát hàng tồn kho hợp lý, linh hoạt để tránh cuộc khủng hoảng xảy ra.

Thứ tư, không cắt giảm hoạt động R&D nhưng phải cải thiện thêm mảng dịch vụ, phải đầu tư thêm nhưng không được chi tiền dàn trải.

Qua bức thư trên, mọi người thấy sự bi quan của nhà sáng lập một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, ông Nhậm chỉ cần cố gắng giữ công ty tồn tại là được. Nền kinh tế thế giới trong những năm tới không ai biết rõ sẽ ra sao vì bây giờ mọi thứ luôn bất định, nhưng sự tiêu cực đã bao trùm cả Trung Quốc. Không chỉ có ông Nhậm, rất nhiều nhà lãnh đạo khác tại các tập đoàn đứng đầu nền kinh tế thứ hai thế giới liên tiếp đưa ra các dự báo của mình.

Những người lãnh đạo tại Tencent, Xiaomi, Meituan đều suy nghĩ về “những khó khăn phía trước”

canh-bao-tuong-lai-kho-khan-cua-huawei-tencent-xiaomi-2-1661492743.jpg

 

Tỷ phú Wang Xing - CEO của nền tảng dịch vụ giao hàng trực tuyến Meituan (Ảnh: Bloomberg)

Giữa tháng 8 vừa qua, sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2 giảm so với cùng kỳ, điều chưa từng xảy ra trước đó, CEO của Tencent Holdings -  Pony Ma Huateng đã chia sẻ về tình hình của công ty. Tương tự như Huawei, ông Ma Huateng cùng ban lãnh đạo tập đoàn phải tích cực cắt bỏ các mảng kinh doanh không tạo ra giá trị. Đặc biệt, yếu tố ưu tiên hàng đầu cắt giảm mọi chi phí, từ khoản chi cho marketing đến ngân sách dành cho hoạt động của công ty. Nguyên nhân chính là do tình hình kinh doanh trong thời buổi hiện nay khó khăn hơn thời gian trước rất nhiều. 

Cũng trong tháng 8, nhân dịp Xiaomi tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mới, ông Lei Jun - người sáng lập của Xiaomi, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Huawei cũng đã nói về những khó khăn phía trước. Ông khuyên mọi người phải kiên cường đối mặt như cách ông từng làm trong quá khứ, để vượt qua được những thách thức trong tương lai.

Các ông lớn của Trung Quốc đồng loạt “than vãn” về những vấn đề sắp tới trong nền kinh tế, bởi vị họ đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách của các nhà cầm quyền đất nước tỷ dân. Thậm chí, có một người đã từng gián tiếp phản đối chính sách kìm hãm này. Đó là ông Wang Xing, nhà sáng lập của Meituan - nền tảng dịch vụ giao hàng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, đã đăng một bài thơ cổ được cho là ám chỉ tới các hoạt động siết chặt lĩnh vực công nghệ của nước này. Ngay lập tức chỉ trong 2 ngày, tài sản của ông bay mất 2,5 tỷ USD

Các nhà lãnh đạo tập đoàn Trung Quốc đều bi quan về nền kinh tế thế giới sắp tới, vậy thì nền kinh tế Việt Nam có đi theo chiều hướng kém lạc quan đó, hay là tận dụng cơ hội trở thành “con rồng châu Á”?.

Cao Chí Cang